THANH ĐÀO

                                          NHỮNG KẺ KHÔNG NHÀ
                                                    HẢI MINH

  “Những Kẻ Không Nhà” trong truyện này chỉ dân Homeless ở xứ Cờ Hoa. Tại một xứ sở tự do, dân chủ , giàu mạnh bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, vẫn có “ Những Kẻ Không Nhà “ sống rải rác khắp nơi. Tại thành phố Baton Rouge, thuộc tiểu bang LA, miền đông nam nước Mỹ, nơi gia đình ông Minh đang cư ngụ, cũng có lắm kẻ bụi đời. Sống lang thang đầu đường xó chợ kiếm ăn qua ngày đoạn tháng. Cũng như bao nhiêu dân nghèo khổ vô gia đình, vô gia cư khác trên thế giới. Chẳng hạn tại Nhật Bản, trong các thành phố lớn, dân homeless thường thương yêu đoàn kết nhau. Ban ngày họ tìm việc kiếm sống. Họ ăn mặc rất tươm tất đàng hoàng. Thật khó phân biệt ai là dân bình thường ai là dân homeless, bởi vì họ không ngữa tay xin ăn như những người ăn mày ở các nước khác. Những kẻ vô gia cư này rất đoàn kết, thương yêu, thường đùm bọc giúp đỡ nhau. Nhiều người thuộc dân trí thức, có địa vị trong xã hội, bị sa cơ thất thế hay phá sản, thất bại trong việc làm ăn kinh doanh nơi thương trường, nên phải sống lang thang theo nhóm người dân homeless. Tối đến, họ rủ nhau ngủ dưới gầm cầu hay công viên hoặc những sân vận động. Sáng ra họ đi làm kiếm sống. Đó là dân bụi đời Nhật Bản.
        Còn ở Việt Nam thì sao? “Những Kẻ Không Nhà” tại quê hương chúng ta thật là đa dạng và bi thảm vô cùng, nhất là sau ngày Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam. Các thương phế binh, bịnh binh, bị đuổi khỏi những quân y viện, những khu dưỡng quân. Họ phải sống bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ để xin ăn, đói rách, cơ cực, lầm than hết nói. Nhất là những thương phế binh được chánh phủ cấp nhà trong các chung cư tập thể, dành cho những quân nhân được giải ngũ vì thương tật hay bất khiển dụng.  Sau đó, từ ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm bởi Miền Bắc, chính quyền mới XHCN tịch thâu nhà hết, đuổi các thương phế binh ra đường ở. Họ phải sống lang thang khắp các hang cùng ngõ hiểm, đói khát lầm than không bút mực nào tả xiết. Nhiều người buộc gia nhập cái bang, xin ăn hằng ngày, ngủ bờ, ngủ bụi.
                   “ Phút chốc thành kẻ không nhà
                      Phế binh bị đuổi, thành ra ăn mày.
                      Đổi đời bi thảm lắm thay
                      Con ngưới ác độc hơn rày yêu tinh.
                      Trả thù dân tộc của mình
                      Chỉ vì giới tuyến, lẳn ranh khác màu.”
       Trong  các cuộc cải cách công thương nghiệp, nhà nước XHCN chủ trương “ quốc doanh hóa mọi ngành nghề, làm ăn tập thể,  hợp tác hóa mọi thứ, thành lập“ Hợp tác xã” công –nông- thương nghiệp, do “ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Chủ trương chính sách “ Ngăn sông cấm chợ”. Quản lý thị trường tha hồ vơ vét của dân một cách công khai nhất là kiểm kê, tịch thu hàng hóa của những người buôn bán. Lúc ấy dân gian có câu nói rất thông dụng phổ biến trong quần chúng:
              “ Cướp đêm là giặc, cướp ngày kiểm kê.”
Sau ngày 30 tháng tư đen, các sĩ quan, viên chức chế độ cũ, bị tập trung tù cải tạo khổ sai lao động mút chỉ cà tha . Vợ con đói rách, cơ cực, lầm than, khổ sở đến tận cùng. Nhiều người bị chính quyền tịch thu nhà, phải đi kinh tế mới. Nơi rừng núi hoang vu, chó ăn đá, gà ăn muối. Kết quả, lắm nạn nhân bị bịnh sốt rét hay những thứ bịnh hiểm nghèo khác, phải lìa đời một cách bi thảm khổ đau, vì rừng thiêng, nước độc, vì thiếu thuốc men, bác sĩ,  phương tiện chữa trị. Đa phần người dân bỏ vùng kinh tế mới, về sống nơi thành thị. Họ trở thành dân bụi đời homeless giống như thương phế binh thuộc chế độ cũ.
                     “ Trở thành homeless nhiều người
                        Phế binh, kinh tế, về nơi phố phường.
                        Lang thang kiếm sống tha phương
                        Đầu đường xó chợ, chẳng giường ngủ đêm.
                        Chíếu manh một mảnh cho mình
                        Tang thương biến đổi lênh đênh cuộc đời.”
       Như trường hợp nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương . Ông đã sáng tác nhiều nhạc phẩm có giá trị, nổi tiếng một thời trước kia. Chẳng hạn, nhạc phẩm nổi danh “ Chiều Làng Em” được tam danh ca Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế trình bày rất hay,  rất hấp dẫn, lôi cuốn khán thính giả vô cùng, trong DVD  Asia “ Hát Với Thần Tượng” Kỷ Niệm 75 Năm Âm Nhạc VN.
  “ Anh ơi ! Nhớ về thăm quê xưa...” ” Quê em nắng vàng nhạt cô thôn...”” Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian...”” Xa xôi, nhớ người anh lữ thứ... Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em” và nhiều nhạc phẩm tuyệt vời nổi tiếng khác.
  Sau đổi đời đầy bi thảm, tang thương, ông vượt biên bị bắt nhiều lần. Kết quả ông bị tù tội thê thảm. Gia đình tan nát. Phải sống lang thang đầu đường xó chợ vì không còn một mảnh giấy tùy thân, an ninh kiểm soát gắt gao, nên bạn bè không dám chứa chấp ông. Đa phần thân hữu cũng nghèo khồ,  khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nên không ai giúp đỡ ông. Chế độ công an trị,  an ninh, cảnh sát khu phố, kiểm soát gắt gao, làm cho dân homeless càng lúc càng khổ sở, không nơi nương thân. Theo lời kể lại của nhạc sĩ homeless Trúc Phương, ban đêm ông phải đi xe lam ra bến cảng Xa Lộ Miền Tây ngoại ô Sài Gòn, khu vực vãng lai, dành cho khách thập phương. Ông thuê chiếc chiếu một đồng, tìm chỗ trải ngủ qua đêm. Hôm nào ra sớm thì còn chỗ tốt mở chiếu ngủ. Hôm nào trể chuyến xe lam, khách vãng lai chiếm hết chỗ sạch sẽ, ông phải trải chiếu thuê chỗ bẩn thỉu, nơi thiên hạ đi tiểu hôi hám, dơ dáy vô cùng, để ngủ tạm qua đêm. Mỗi năm ông phải ra ngủ tại đây đến 9, 10 tháng. Ông thú thật, trong nhiều năm qua sống bụi đời tại Sài Gòn, ông chưa có ngày nào nhịn đói. Tuy nhiên chưa có hôm nào ăn no. Cuộc sống của dận homeless thật là thê thảm, bi thương, khổ đau đến tận cùng xã hội loài người. Nhưng ông phải cố gắng sống, sống qua ngày đoạn tháng, cầu mong có ngày sẽ khá hơn. Ông vẫn lai rai sáng tác nhạc để lại cho đời những tác phẩm bất hủ, như bản nhạc " Thói Đời" .
                             “ Người yêu ta, đã phụ ta
                              Gia đình đổ vỡ, cửa nhà tan hoang.
                               Sa cơ thất thế, lang thang
                               Cô đơn một bóng, bần hàn nam nhi.
                               Bạn bè xa lánh ai kia
                               Bơ vơ, đói rách, đi về vãng lai.
                               Chiếu manh một mảnh dài dài
                               Màn trời chiếu đất kiếp người khổ đau.”
        Xin trở lại dân homeless ở Mỹ. Hôm trước ông bà Minh đi du lịch Cali. Tại  các thành phố của tiểu bang giàu có rộng lớn này, ông từng gặp dân homeless đủ sắc màu. Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, Á châu khắp nơi. Tại khu chợ ABC, khu Phước Lộc Thọ, trên đại lộ Bolsa chẳng hạn, nhiều người nghèo khổ xin ăn trước chợ hay hàng quán. Họ đeo trên người bảng “ Homeless” tay cầm nón hay xìa bàn tay, đi qua lại xin ăn. Những người đi mua sắm thực phẩm hay bánh trái hoa quả trong chợ bước ra gặp họ dài dài. Tại  thành phố  Baton Rouge, thủ phủ của tiểu bang LA, một vài dân homeless đứng tại các ngã tư đại lộ hay dưới gầm cầu, cạnh các bảng Stop, nơi có những chiếc xe hơi lên xuống Free Way. Họ chìa nón xin tiền các tài xế lái xe khi họ dừng lại chờ đèn xanh.
     Ông Minh còn nhớ, hôm đó, vào ngày đầu năm dương lịch. Happy New Year, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và Hội HO,Cựu Tù Nhân Chính Trị, ở thành phố Baton Rouge, tổ chức Đại Hội thường niên. Món ăn có nhiều thứ ngon dành cho khách tham dự sau Lễ Chào Cờ đầu năm và những tiết mục ca hát văn nghệ vui tươi, lành mạnh. Không khí buổi họp mặt thật tưng bừng, náo nhiệt, vui vẻ, phấn khởi, thú vị vô cùng. Thực khách tha hồ ăn uống, trò chuyện, thoải mái với bạn bè, thân hữu đồng hương. Bỗng nhiên, dân homeless, đa phần Mỹ trắng và Mỹ đen lại xin thức ăn. Đồ ăn quá nhiều, các bà các cô phụ trách thực phẩm ăn uống, có tâm từ bi, bác ái, mời dân vô gia cư tha hồ vào lấy ăn, tùy theo khẩu vị và sở thích của mình. Họ mừng như trúng số, hớn hở tiến vào lấy  đồ ăn xơi thoải mái, no nê.
                          “ Tây Ba Lô trúng mánh
                            Dân homeless không nhà .
                            Bữa ăn ngon cứ chén
                            Cám ơn chủ đãi ta. “
         Sát nhà ông Minh ở ngay trung tâm thành phố, trên lộ E Black Oak Dr. là ngôi nhà khang trang của ông bà bác sĩ chỉnh hình ( Chiropractor). Ông bà có duy nhất một con trai cũng hành nghề như ông bố. Một người cháu cũng vậy. Đúng là cha truyền con nối, cháu cũng theo nghề bác mình. Con trai có gia đình ở riêng.
     Sau đó, ông bác sĩ bị bịnh hiểm nghèo từ trần. Bà vợ góa chồng ở một mình trong ngôi nhà rộng lớn nói trên. Bà già yếu bịnh tật. Vì vậy bà về nhà con trai ở. Con trai tuổi đời mới sáu, bó nhưng bị bịnh đau khớp xương phải nghỉ hưu sớm. Nhà mẹ không ai ở một thời gian lâu, bị ngân hàng kéo vì mẹ con bà lâm cảnh nghèo túng, không có tiền thanh toán nợ của ngôi nhà mua trả góp lâu nay. Ngôi nhà nằm kề nhà ông bà Minh nói trên hiện nay cửa đóng then gài. Tuy nhiên có một dân da màu Homeless lại cư ngụ lén lút sống ngoài hành lang phía sau nhà. Y  dáng người cao to, còn khỏe mạnh, chừng trên 50 tuổi. Gã ở thét rồi sống tự nhiên như nhà mình vậy. Tối đến, gã trải nệm ngủ ngoài hành lang sau nhà. Gã đi tiểu hay đại tiện trong thùng nhựa để dưới gốc cây sát hàng rào đối diện với sân của tiệm grocery Asmin Food Market. Ban ngày, gã đi lang thang ngoài đường, Xế chìều gã mua nước ngọt ngồi uống tự nhiên dưới mái hiên trước nhà. Xung quanh đó đa phần là nhà dân da màu đồng chủng. Ông Minh không hề gọi police báo cáo về việc y cư ngụ bất hợp pháp tại ngôi nhà trên, nay thuộc nhà băng quản lý. Những lúc có người của ngân hàng đem xe đến cắt cỏ, hay chụp hình, thì y né tránh ngay. Trông y cao to, khỏe mạnh, tiếng nói rỗn rãng, nhưng chả chịu lao động kiếm sống chi cả, Cứ sống vô gia cư, vô nghề nghiệp. Bà cảnh sát nhà bên kia đường, đối diện nhà ông Minh trông thấy gã da đen homeless cư trú bất hợp pháp này. Bà từng nói với ông Minh là sẽ gọi báo cảnh sát đến đuổi y đi. Tuy nhiên, bà ta làm ngơ, không hề gọi. Bà chỉ hứa lèo với ông hàng xóm thôi. Dân da màu che chở, đùm bọc nhau rất nhiệt tình. Cứ chiều chiều y ngồi nhấm nháp ly nước ngọt hay cà phê đá mua ở tiệm Grocery bên cạnh. Đôi khi y  ngồi trò chuyện với người quen đồng chủng. Có lúc ông Minh trông thấy một cô gái trẻ trung dân da trắng, ngồi tâm tình với y thân mật như là nhà mình vậy.
      Y sống tại ngôi nhà nói trên như thế lâu rồi mà chả có cảnh sát hay an ninh gì lại đuổi đi. Gã homeless này may mắn có chỗ đi tiểu tiện vệ sinh, có máy nước tắm giặt thoải mái. Có chỗ ngủ nghỉ ban đêm. Mỗi lần gặp ông hay bà Minh bên ngoài nhà, là y chào, hỏi han tự nhiên, như người hàng xóm khu phố vậy. Chẳng hạn, hôm đó ông Minh hái rau dền mọc hoang trên bãi  cỏ, cạnh tiệm Jasmin Food Mart phía sau nhà mình, y tiến lại hỏi ngay:
 - Ông hái rau gì vậy? Ông ăn cỏ ư?
 Ông Minh ngạc nhiên nhìn kẻ hiếu kỳ:
- Không phải cỏ đâu. Đây là loại rau dền Việt Nam luộc hay nấu canh ăn rất mát, bổ dưỡng cơ thể.
      Xin kể trường hợp dân ta thuộc dạng homeless rất đặc biệt. Trong cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Baton Rouge, ông Sanh nổi danh là dân vô gia cư lâu nay. Ông có vợ ba con trai. Bà xã tên Lan, trẻ hơn lang quân cả một giáp. Bà có chút nhan sắc gốc Phật giáo. Tuy nhiên khi thành hôn với ông bà theo đạo Công giáo. Ba con cũng theo học giáo lý tại thánh đường Saint Anthony ở địa phương. Sau thời gian chung sống, bà phát hiện các tật xấu của chồng. Ông Sanh nghiện nặng ma túy. Ông phải chích hằng ngày khi cơn ghiền lên dữ dội. Ngoài ra ông còn đam mê cờ bạc, casino, mỗi khi làm có tiền. Ông không quan tâm săn sóc con cái. Ông chỉ lo làm thuê làm mướn, kiếm tiền để chích xì ke hay cờ bạc. Thế là bà ra tòa ly dị ông Sanh. Ba đứa con bà chăm sóc. Bà làm nghề nail có tiền mướn nhà ở và nuôi dưỡng các con ăn học. Bà se duyên với một gã con lai da màu. Mỹ  danh của y là Lee. Mẹ của hiệp sĩ là VN, cha gốc African- American. Hai người cùng tuổi lủi thủỉ làm ăn. Ông bà ăn ở có một đứa con trai với nhau. Ông này là một Phật tử hay đi  lễ chùa Tam Bảo. Thế là bà và các con cũng trở lại Đạo Từ Bi.
      Ông Sanh vẫn phải làm thuê, làm mướn kiếm sống hằng ngày. Ông có chiếc xe hơi trành là người bạn đường, phương tiện đi lại và cũng là phòng ngủ ban đêm ở sân Khu Chợ Vĩnh Phát của thành phồ Baton Rouge. Dân homeless, vài người có xe con ngủ trên bãi đậu của chợ hay công viên nào đó, hoặc  bên lề đường, khi đêm về. Dân homeless không nhà, không cửa, không xe cộ, không phương tiện đi lại, chỉ có bọc áo quần, càng thê thảm hơn nữa. Nhất là dân sống màn trời chiếu đất, bơ vơ nơi đầu đường xó chợ, ngủ bờ ngủ bụi. Thật là bi thảm. Thật là khổ đau. Thật là tang thương không bút mực nào tả xiết.
                         “ Xe con, người bạn thân thương
                            Đó là phương tiện, phòng, giường ban đêm . 
                            Cho dân homeless nệm êm
                            Kiếp người cô độc, gia đình ly tan.  
                            Khổ đau những kẻ lang thang
                            Màn trời, chiếu đất, cơ hàn thảm thương.”
                                                                             
                                    HẢI MINH