Phạm Anh Dũng

THÁNG TÁM MÙA THU, LÁ KHƠI VÀNG CHƯA NHỈ?




THÁNG TÁM MÙA THU, LÁ KHƠI VÀNG CHƯA NHỈ?

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác nhiều. Trong số đó, nổi tiếng là Về Đây Nghe Em và Có Phải Em Là Mùa Thu Hà Nội.
Trước 1975, Trần Quang Lộc nổi tiếng với nhạc phẩm Về Đây Nghe Em bài nhạc phổ thơ Anh Khuê:

Về đây nghe em
Về đây nghe em
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu...

CD Đêm Màu Hồng của danh ca Thái Thanh do Diễm Xưa phát hành có bản Về Đây Nghe Em do Thái Thanh, Ý Lan và Quỳnh Dao (tức là Quỳnh Hương về sau này) hợp ca. CD hay, bài hát hay nhưng bìa CD có một sơ suất nhỏ, đề sai tên tác giả thành ra là Lê Quang Lộc. Và không thấy có ghi tên thi sĩ.
Nhạc phẩm Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc) thấy lưu hành sau 1975. Bài này có Hồng Nhung đã hát trong CD Chiều Phủ Tây Hồ, do trung tâm nhạc Mưa Hồng phát hành. Bìa CD có tên Trần Quang Lộc là tác giả nhưng cũng không thấy nhắc đến tên thi sĩ Tô Như Châu.

Đoạn đầu của Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội, nhạc nằm trong âm giai Trưởng, nhạc và lời rất quyến rủ:

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa

Đoạn 2, nhạc cũng gần giống hệt như đoạn đầu, ngoại trừ mấy chữ cuối:

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay

Câu "Ngày sang thu anh lót lá em nằm" nghe thật là giản dị nhưng đầm thắm.

Sang đoạn thứ 3 là đoạn điệp khúc, hai câu đầu, vẫn ở hợp âm trưởng:

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Và sau đó, nhạc chuyển sang âm giai Thứ, buồn hơn:
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát

Có một điểm nhiều người cho hơi lạ là ở khi bản nhạc lên đến cực điểm cao vút: "Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát". Họ không hiểu ở đây tác giả muốn nói gì vì Hai Bà Trưng tự vẫn ở sông Hát thuộc tỉnh Sơn Tây thì có liên hệ gì đến mùa Thu Hà Nội!
Lý do có lẽ như sau:
Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát tự vận, tại tỉnh Sơn Tây. Sông Hát là giòng nước thượng lưu của sông Hồng (sông Nhị). Hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây tại Hà Nội ngày xưa đều có nguồn từ Hồng Hà.

Đoạn thứ 4 là đoạn kết nhạc lại trở về âm giai trưởng giống như đoạn 1 và 2:

Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa Thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ôi mùa Thu của ước mơ

Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội phải nói là một bài nhạc haỵ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. CD Đêm Màu Hồng, Thái Thanh Hải Ngoại 3, Diểm Xưa 16 (714)540-7537 ở Hoa Kỳ.
2. CD Chiều Phủ Tây Hồ, Mưa Hồng 342 (714)531-7692 ở Hoa Kỳ, Kim Nga 01-45-829045 ở Pháp.

Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA