Hàn Sĩ Nguyên

Truyện Thơ THẠCH SANH LÝ THÔNG TÂN BIÊN -01-




KHO TÀNG TRUYỆN CỔ VIỆT NAM

TRUYỆN THƠ DÂN GIAN

=============================


Truyện Thơ


THẠCH SANH LÝ THÔNG

TÂN BIÊN


HÀN SĨ NGUYÊN


-Bản chính thức đã hiệu đính 2002-


==============================


LỜI GIỚI THIỆU


của nhà văn VŨ HẠNH


Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn học, truyện thơ “Thạch Sanh Lý Thông” xuất hiện cách đây khoảng năm thế kỷ. Đó là một tác phẩm dân gian, không rõ tác giả, dài 1822 câu lục bát, thể hiện nội dung phổ cập bao đời là sự đấu tranh giữa thiện và ác, để rồi cuối cùng chiến thắng thuộc về lẽ thiện.


Con người tiêu biểu cho lẽ thiện này là chàng Thạch Sanh, không phải xuất thân từ nơi gác tía, lầu son mà là người sinh trưởng giữa miền dân dã, trong chốn hoang vu. Nơi con người ấy, phối hợp cả ba năng lực phi thừơng:


-Tinh thần sáng tạo phong phú, mạnh mẽ : biểu tượng bằng cây đàn thần.

-Khả năng sản xuất cần cù , vô biên : tượng trưng qua chiếc nồi đồng Thạch Sanh.

-Sức chiến đấu kiên cường, quyết thắng : thể hiện qua hình ảnh búa đồng, đao sắt, cung vàng , tên bạc.


Thạch Sanh còn là tiêu biểu cho sức mạnh quần chúng và đạo lý dân tộc.


Sức mạnh quần chúng ở đây là chàng làm chủ chiếc nồi đồng nhỏ bé mà có quyền phép lạ lùng - chiếc nồi đã có từ trong truyền thuyết về Nguyễn Minh Không đời Lý - thết đãi no nê đại binh của 18 nứơc chư hầu mà vẫn còn đầy, và chiếc nồi ấy cũng chính là khả năng bất tận tạo ra lúa gạo cho đời của những con người lao động.


Đạo lý dân tộc ở nơi Thạch Sanh chính là tinh thần đạo nghĩa đi đôi vói sức chiến đấu kiên cường. Đạo nghĩa đối với mẹ cha, đối với bạn hữu, với người mình yêu, với cả kẻ thù,với những con người đã không cư xử tốt với mình. Ngoài ra,Thạch Sanh còn là người nghệ sĩ lý tưởng không hề vỗ ngực xưng danh; giữa vô số bạc vàng, châu báu Thủy Vương ban tặng, chàng chỉ xin mỗi một cây đàn, gạt bỏ giàu sang, chọn lấy nghệ thuật, nhất quyết quay về nơi gốc đa xưa, một sự quay về bám lấy cội nguồn…


Con người phản diện Lý Thông tượng trưng cho sự gian manh, giả dối, ích kỷ, bạo tàn. Đó là mẫu người tiêu biểu cho sự xấu xa ở mọi thời đại, mẫu người chỉ biết vận dụng đủ mọi thủ đoạn, chớp lấy mọi cơ hội, sẵn sàng biến kẻ khác thành thứ phương tiện cho mình trục lợi. Cuối cùng tên gian ác, bất nhân Lý Thông cũng bị cách chức, bị đuổi về quê, giữa đường lại bị ngay lưỡi tầm sét của trời giết chết, cả con lẫn mẹ, và phải hoá kiếp thành loài bọ hung đời đời. Người hiếu nghĩa, lương thiện Thạch Sanh thì lấy được công chúa và lên tiếp quản ngai vàng.


Tác phẩm dân gian mang những nội dung tích cực trên đây vẫn tồn tại trong lòng người dân Việt qua nhiều thế kỷ và đến ngày nay, những giá trị ấy về mặt nội dung vẫn còn tính chất hợp thời. Tuy nhiên, với văn phong xưa cũ, với nhiều câu chữ còn nặng tính chất mộc mạc bình dân, đặc trưng của văn chương truyền khẩu và sự kết cấu lan man của thể loại truyện kể, Thạch Sanh Lý Thông chính truyện (còn gọi là Thạch Sanh Lý Thông cổ bản) chỉ được xem như một tác phẩm dân gian truyền khẩu, chưa được đánh giá như một tác phẩm văn học thực sự, đôi lúc, trong nhiều tình huống, đã làm giảm thiểu hứng thú trong lòng người đọc


Với mục đích trong sáng là bảo tồn một trong những vốn quý của dân tộc, hiện đại hóa những vốn quý ấy, để chúng dễ dàng tiếp cận cùng độc giả thời nay, nhà giáo kiêm nhà thơ HÀN SĨ NGUYÊN đã không ngại đầu tư nhiều công sức hoàn thành cái công việc khá đặc biệt là hiệu đính, chỉnh lý, tân biên lại tác phẩm.


Ông Hàn Sĩ Nguyên đã trân trọng bảo lưu, giữ lại những lời thơ nào còn dễ chấp nhận, những tình tiết nào còn hợp nội dung và ông cố gắng thay câu đổi chữ khi cần thiết, thậm chí bố cục lại một số đoạn tương đối rườm rà trong cổ bản, đồng thời tiến hành phân đoạn giúp cho người đọc không bị lạc lối, chìm đắm trong dòng suối thơ trải dài tưởng chừng như bất tận … Đây là một cách thể hiện đầy lòng tha thiết -cũng như trân trọng- của ông đối với số vốn liếng ít ỏi của nền văn học dân gian. Có thể nói, qua ngòi bút biên tập, chỉnh lý, làm mới lại của Hàn Sĩ Nguyên, “Thạch Sanh Lý Thông” đã nhẹ nhàng, êm ả bước chân vào hàng ngũ những tác phẩm văn học thực sự vậy.


Quyển Thạch Sanh Lý Thông tân biên của Hàn Sĩ Nguyên vừa lòng người đọc đến mức độ nào, điều đó còn tùy thuộc ở cảm nhận riêng của mỗi người. Nhưng xin thành thật thưa rằng giữa một thời đại mà nhiều giá trị cổ truyền đang bị băng hoại, giữa một xã hội mà nhiều cá nhân đang bị cuốn hút vào nền kinh tế thị trường, trong đó không ít ngòi bút cứ loay hoay khai thác thị hiếu tầm thường của các thượng đế dư tiền thừa của, thì chỉ riêng một việc ông Hàn Sĩ Nguyên lao tâm lao lực hiệu đính, tân biên lại tác phẩm “Thạch Sanh Lý Thông” cũng đã là một công trình rất đáng trân trọng. Và có thể xem đây là một SỰ KIỆN trên thi đàn ở thời điểm chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỷ vậy.


Vì thế, xin trân trọng giới thiệu THẠCH SANH LÝ THÔNG TÂN BIÊN đến cùng quý độc giả, theo đúng như tinh thần của hai câu thơ kết :

Bút hoa ghi chép vội vàng

Chỉ mong hậu thế vẹn đàng nghĩa nhân.



Tháng 12 năm 2000

Nhà văn VŨ HẠNH

=====================

Truyện thơ

THẠCH SANH LÝ THÔNG

TÂN BIÊN

Hàn Sĩ Nguyên

=====================


-1-


Mừng thay vận nước nở hoa

Bốn phương lạc nghiệp, an hòa thương sinh

Nhớ xưa ở quận Cao Bình

Có người họ Thạch hiền lành, nghĩa nhân

Trọn đời đốn củi nuôi thân

Vợ là Dương thị bội phần đức duyên

Chẳng may gặp vận suy hèn

Nào lo hiếm của, chỉ phiền không con

Đêm ngày giữ tấm lòng son

Cỏ cây là bạn, núi non là nhà (10 )

Quang âm vùn vụt lướt qua

Thạch ông thấm thoắt tuổi đà sáu mươi

Xét mình thân thuộc không ai

Chỉ mong có một chút trai nối dòng

Ngày sau hương hỏa tổ tông

Còn như thành bại mặc lòng trời toan

Trải bao nhiêu sự nguy nan

Mái tranh dễ nát, lòng vàng khó lay

Vợ thì gánh nước đêm ngày

Dốc lòng bố thí những ai lỡ đường (20)

Chồng thì khai cống, khai mương

Tay mai tay cuốc sửa đường sớm hôm

Danh thơm tỏa khắp hương thôn

Gần xa vang dậy tiếng đồn ngợi khen

Lời phàm thấu đến cửu thiên

Hỏi qua Vuơng mẫu sự duyên thế nào?

Truy Bắc Đẩu, vấn Nam Tào

Công to đức lớn cớ sao nghèo hèn ?

Thần tiên khép nép tâu lên

Trước sau số mệnh, phúc duyên mọi bề (30)

Ngọc hoàng truyền chỉ tức thì

Sai ngay Thái tử kíp đi xuống trần

Làm con họ Thạch báo ân

Thọ trường trăm tuổi, an dân sẽ về

Ba mươi năm, trải hàn vi

Hết cơn bĩ cực, tới kỳ hanh thông

Bấy giờ tỏ rạng mây rồng

Giàu sang bốn bể lẫy lừng tám phương

Thái tử nghe phán tỏ tường

Cúi vâng ngọc chỉ, gấp đường đầu thai (40)

Thiều ca nhạc trỗi lưng trời

Hạc vàng tụ hội, tiễn người ra đi.



[Còn tiếp]


========================
Hàn Sĩ Nguyên