Vinh Hồ

NHỮNG THI SĨ CỐ ĐÔ VÀ PHONG TRÀO THƠ MỚI THỜI TIỀN CHIẾN



I. PHONG TRÀO THƠ MỚI THỜI TIỀN CHIẾN

Mở đầu “Thi Nhân Việt Nam” tác giả Hoài Thanh viết:

“Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như về tinh thần (...). Từ đời này sang đời khác, đại khái chỉ có bấy nhiêu tập tục, bấy nhiêu ý nghĩ, bấy nhiêu tin tưởng, cho đến những nỗi yêu, ghét, vui, buồn, cơ hồ cũng nằm yên trong những khuôn khổ nhất định.”

Văn hóa VN bị ảnh hưởng văn hóa Tàu suốt mấy ngàn năm.

Nền thơ ca bác học đã lấy thơ ca Tàu làm mẫu mực. Ông Vua kiêm Thi sĩ Tự Đức khi phê bình văn thơ cũng lấy văn thơ Tàu làm thước đo:

“Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán

Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”

Cả nước trải qua các triều đại, nền thơ ca bác học từ vua quan đến nho sĩ chỉ sử dụng dăm ba thể thơ mà thể Đường luật là chính. Trong khoa cử học trò vào trường nhì phải làm một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú luật tắc còn nghiêm hơn cả Đường luật chính gốc bên Tàu, đó là chưa kể các thứ “phạm húy” phải tuyệt đối tránh. Nếu thí sinh không tuân theo, hỏng. Thi sĩ Trần Tế Xương là “tú tài hơn cử nhân” (theo nhận xét của Nguyễn Khuyến) thế mà đến chết vẫn không lấy được mảnh bằng cử nhân để ra làm quan trả ơn người vợ hiền suốt đời khó nhọc “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi lấy năm con với một chồng”:

“Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay.

Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày.

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín.

Thi không ngậm ớt thế mà cay.”

Đó là trường thi, còn ngoài đời thì đa số trí thức làm thơ Đường luật dường như để phô diễn tài văn hay chữ tốt của mình (về văn hóa Tàu)... đó là chưa kể những loại thơ chén tạc chén thù nhầm tâng bốc ca tụng lẫn nhau... Do đó tự thân thơ không còn mang ý nghĩa là đẹp là thơ là sáng tạo nữa. Chính vì thế mà người ta ví thơ Đường luật là cái khung vô hồn, sáo rỗng, và xem thơ Đường luật là thơ của cung đình quý tộc đài các phong lưu thích xài từ Hán, ưa dùng điển tích, quy ước của Tàu rắc rối, tối tăm, xa rời thực tại... Đến cuối thời Nhà Nguyễn thì lối học từ chương khoa cử càng thêm nặng nề, tệ quan liêu quyền quý và tinh thần vọng ngoại càng thêm phổ biến, nhất là quan niệm sai lầm về sáng tác, cộng với đầu óc tự cao tự đại, bảo thủ, hẹp hòi... đã làm xơ cứng một thể thơ ưu việt từng tạo ra những tên tuổi lớn trong thơ ca thế giới như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị...

Tinh thần vong thân vọng ngoại đã ăn sâu vào máu của giới hủ Nho như một căn bệnh đến nỗi hễ mở miệng ra là xổ Nho, hễ đặt bút xuống là kê Nho. Thậm chí nhà thơ hùng tráng Nguyễn Công Trứ có cuộc sống khá phóng khoáng “nhạc ngựa bò vàng đeo lung lẳng” vậy mà cũng xen kẽ rải rác trong thơ những câu chữ Hán như : “Tước hữu ngủ sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” hay “ Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” Bài thơ đầy hào khí “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc, Nợ tang bồng vay trả trả vay, Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây, Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể...” mạch thơ đang trôi chảy ngon lành, bỗng tự dưng “chuyển gam” dùng hai câu chữ Hán “Nhân sinh tự cổ...” xen vào một cách tức rực chẳng khác gì chiếc xe đang xổ dốc gặp phải một cái ổ gà. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du, thời ông chữ Nôm đã thịnh rồi, vậy mà ông vẫn cứ loay hoay làm thơ chữ Hán, có một dịp đi ngang qua Bắc Thành ghé Cổ Nguyệt Đường thăm người bạn tình cũng là bạn thơ, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ông đưa cho nàng xem quyển “Bắc Hành Thi Tập” bằng chữ Hán mà ông vừa mới sáng tác, không ngờ tác giả “Tranh Tố Nữ, Đánh Đu, Đèo Ba Dội” sau khi xem đã sửa lưng ông bằng một câu chí tình: “Tiên sinh mà cứ làm thơ chữ Hán như thế này thì đời sau mấy ai đọc. Thiếp trộm nghĩ tại sao Tiên sinh không đổi qua làm thơ chữ Nôm?” Nhờ Bà Chúa Thơ Nôm ngay thẳng góp ý, nhờ quan Cần Chánh Điện Học Sĩ Nguyễn Hầu thức tỉnh mà ngày nay chúng ta có Truyện Kiều, áng thơ Nôm bất hủ, niềm tự hào của dân tộc: “Kiều còn, tiếng Việt còn”.



Qua cả ngàn năm Nho học thịnh hành, nhưng thơ ca bác học chẳng để lại một bài nào nói về giới Nho sĩ vừa thật vừa hay như hai câu ca dao trong kho tàng văn chương bình dân sau đây:

“Ưng chi cái lũ hủ nho

Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”



Và phải đợi đến thời tiền chiến, hình ảnh Cụ Đồ Nho mới được Vũ Đình Liên trong Phong trào Thơ Mới khắc họa một cách thấm thía qua bài Ông Đồ:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông Đồ già... ”



Ngoài căn bệnh vọng ngoại kinh niên, hầu hết thơ Đường luật đều rơi vào hình thức sáo mòn, cũ kỹ, rập khuôn, bắt chước. VN là xứ nhiệt đới, làm gì có tuyết có lá ngô đồng vậy mà vẫn có trong thơ... cho nên Tú Mỡ mới làm thơ châm biếm như sau:

Cây tươi tốt lá còn xanh ngắt

Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng

Trên đường đi nóng dẫy như rang

Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ.



Suốt 5 thế kỷ từ thi hào Nguyễn Trãi đến thời tiền chiến, ngoài những nhà thơ Đường luật có thực tài đã lưu lại những vần thơ Đường luật thất ngôn bát cú tuyệt tác như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Quách Tấn, v.v... hỏi còn được mấy người? Trước hoàn cảnh “cùng tắc biến“đó, thơ ca VN cần thay đổi, cần cách tân để sống còn.



Khi đặt xong nền đô hộ lên nước ta, chính phủ Bảo hộ lần lượt bãi bỏ chế độ khoa cử cũ ở Nam kỳ 1864(?), Bắc kỳ 1915, Trung kỳ 1918. Khoa cử bỏ, thể thơ Đường luật mất địa vị độc tôn. Năm 1917, Phạm Quỳnh viết bài phê phán thể thơ có khuôn khổ chật hẹp, Đường luật. Năm 1928, Phan Khôi viết bài công kích thể thơ “bó buộc mất cả sinh thú”, Đường luật và năm 1932 bài thơ “Tình Già” của ông xuất hiện trên báo... Nhà thơ tiên phong có tài và hết sức nhiệt tình xông xáo, đó là Lưu Trọng Lư, được sự tiếp tay của Nguyễn Thị Kiêm, Đỗ Đình Vượng, Vũ Đình Liên , Trương Tửu, Lê Tràng Kiều... đã liên tục đăng đàn diễn thuyết từ Bắc chí Nam, kể cả viết báo chỉ trích Thơ Cũ đề cao Thơ Mới. Làng thơ cũ cũng xông ra nghênh chiến bằng những cuộc diễn thuyết, bằng những bài bút chiến trên cả chục lần, trong đó có Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng... Đó là cuộc bút chiến đầu tiên xảy ra trong lịch sử thơ ca VN kéo dài 10 năm để giành quyền sống và cuối cùng thơ mới đã toàn thắng. Thắng lợi vẻ vang đó nhờ công lao của những người trí thức tiến bộ nhìn xa thấy rộng, những người tiên phong năng nổ tả đột hữu xông, những nhà thơ mới có tài đã dùng tác phẩm đầy sáng tạo của mình để chinh phục như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Bính, Thanh Tịnh, v.v... kể cả những nhiệt tình ủng hộ của đông đảo độc giả tiến bộ thời ấy.

Chỉ trong vòng có 10 năm mà phong trào Thơ Mới đã có một đội ngũ những người cầm bút lên tới hàng ngàn người, thật chẳng khác gì một làn gió Xuân thổi qua mảnh đất cằn khô làm mát mẻ tâm hồn, làm trong sáng Tiếng Việt, làm mới mẻ thơ ca, tạo ra một thời đại thơ ca kỳ diệu có một không hai trong lịch sử thơ ca Việt Nam.



II. NHỮNG THI SĨ CỐ ĐÔ

Nhà phê bình Hoài Thanh đã đọc khoảng 4000 nhà thơ mới và đã tuyển chọn được trên 40 thi sĩ xuất sắc tiêu biểu cho thời tiền chiến mà ông gọi là “Một thời đại trong thơ ca” để đưa vào quyển Thi Nhân Việt Nam của ông (người viết rất tiếc là ông đã bỏ sót thi sĩ thiên tài Hồ Dzếnh mới 19 tuổi đã xuất bản thi tập Quê Ngoại nổi tiếng, trong đó có bài “Chiều” được Dương Thiệu Tước phổ nhạc). Riêng Cố Đô Huế đã có tới sáu nhà thơ thời danh đã từng đóng góp công sức tài năng và tác phẩm của mình vào sự thắng lợi của phong trào Thơ Mới. Tôi xin mạn phép trích đăng vài nét tiểu sử cùng thơ ca tiêu biểu của họ như sau:



1. MỘNG HUYỀN

Sinh năm 1919 ở Huế, học Ban Tú Tài ở Hà Nội, đã đăng thơ trên các báo Tràng An, Sông Hương.



VƯỜN HOANG

Hôm nay trở lại vườn xưa

Nén tim rộn rã ngăn ngừa nhớ thương

Cỏ lan mặt đất bên đường

Cành cây nghiêng gửi mùi hương bay rồi

Hình em còn ở hồn tôi

Sầu em lẩn quất bồi hồi đâu đây...

Rào xiêu, hoa héo, cây gầy,

Em từ trần vội một ngày năm xưa

Vườn hoang, nhà vắng, cây thưa,

Lòng tôi sầu tủi đã vừa mấy xuân!

Ngày kia tôi sẽ từ trần,

Vườn hoang liêu lại mấy lần hoang liêu...

(Trích thi tập Rung Động)



2. NGUYỄN ĐÌNH THƯ

Sinh năm 1917 tại Thừa Thiên. Học trường Queignec, Quốc Học. Có bằng thành chung.



THIỆT THÀ

Phụ phàng chi lắm thế anh ơi,

Em gởi thư sao chẳng trả lời?

- Dẫu chẳng ra chi duyên phận ấy,

Cực lòng em chịu dám hơn ai



Nhớ bữa ra đi anh dặn dò,

Những là chờ đợi chớ buồn lo

- Đừng đau em nhá! Thư luôn nhá!

Không có phương trời anh héo khô.



Nghe nói, chao ôi! Xiết thảm sầu,

Trăm nghìn những muốn chết theo nhau,

Lệ không cầm nữa, tơ duyên tưởng,

Vấn vít đôi ta đến bạc đầu.



Cui cút ra vào em với em,

Lời kia căn dặn dám sai quên,

Ai dè anh bỏ em đành đoạn,

Ôi lá hoa cùng trăng gió quen!



Em có hay đâu cơ sự này,

Nửa chừng nửa đổi chịu chua cay.

Tình anh như nắng thu đông ấy,

Lưu luyến nhân gian chả mấy ngày...



Chắc hẳn anh chừ đã lửng nhau,

Vui bề gia thất ấm êm sao!

Tình cờ nếu gặp em đâu đó,

Không biết lòng anh nghĩ thế nào?

(Trích thi tập Hương Màu)



3. PHAN VĂN DẬT

Sinh năm 1909, tại Thừa Thiên, học Quốc Học, đậu Thành chung. Viết văn từ năm 1927, có thơ đăng trên báo Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông. Đã xuất bản thi tập Bâng Khuâng (1935).



TIỄN ĐƯA

(Lời một người đàn bà xưa đưa chồng đi lính)

Ngày mai chàng lên đường,

Thân gió bụi tuyết sương,

Tối nay còn với thiếp,

Xin cạn chén quỳnh tương.

Chàng mặc áo nhung này,

Thiếp vì chàng mới may,

Thiếp dù xa chân ngựa,

Tơ lòng theo chàng bay.

Đừng nghĩ đến ngày mai!

Hôm nay biết hôm nay,

Thiếp đây mà chàng đó,

Chừng ấy là đủ rồi.

Ngày mai chàng ruổi xa,

Mặc kẻ nước mắt sa,

Yên ngựa rong đường thẳng,

Thức dậy lúc canh gà.

Ngày sau khi chàng về,

Thiếp dù chống gậy lê,

Xin vì chàng dâng rượu,

Tình xưa cạn chén thề.

Rồi bên chàng có thiếp,

Giấc hòe cùng thiêm thiếp,

Yêu nhau đến trăm năm,

Phong trần cho bõ kiếp.

1927

(Trích thi tập Bâng Khuâng)



4. THANH TỊNH

Họ Trần, sinh năm 1913 tại Thừa Thiên, học Đông Ba, Pellerin. Có bằng Thành chung. Đã viết cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tinh Hoa.



MÒN MỎI

-Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ,

Tìm thử chân mây khói tỏa mờ.

Có bóng tình quân muôn dặm ruổi,

Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.

- Xa nhìn bên cõi trời mây,

Chị ơi em thấy một cây liễu buồn.

- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo,

Có phải chăng em ngựa xuống đèo?

Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi,

Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.

- Bên rừng ngọn gió rung cây,

Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương.

- Tên chị ai gieo giữa gió chiều,

Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu?

Trên dòng sông lặng em nhìn thử,

Có phải chăng người của chị yêu.

- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,

Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông...

Ô kìa! Bên cõi trời đông,

Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa.

- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn,

Phải chăng mình ngựa sắc hồng in.

Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,

Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.

- Ngựa hồng đã đến bên hiên,

Chị ơi trên ngựa chiếc yên... vắng người.



5. THU HỒNG

Tên thật Tôn Nữ Thu Hồng, sinh 1922 tại Thừa Thiên, học Tourane, Đồng Khánh. Đã xuất bản thi tập Sóng Thơ (1940).



TƠ LÒNG VỚI ĐẸP

Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động,

Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời.

Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời,

Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt!

Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,

Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.



Tơ lòng với đẹp đêm nay

Rộn ràng thổn thức vì say nhiệm màu.



6. THÚC TỀ

Tên thật Thúc Nhuận, sinh năm 1916 ở Huế, học trường Qui Nhơn, Quốc Học, đã viết giúp Văn Học tạp chí, Mai, Dân Quyền. Chủ bút tuần báo Đông Dương.



TRĂNG MƠ

Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,

Suốt dải sông Hương nước thở dài.

Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy,

Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.



Mây xám xây thành trên núi Bắc

Nhạc mềm chới với giữa sương êm,

Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật,

Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm.



Dịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma,

Biến mất vì nghe giục tiếng gà.

Trăng tỉnh giấc mơ, lười biếng dậy,

Động lòng lệ liễu, giọt sương sa.



Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước,

Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng.

Hương trăng quấn quít hơi sương ướt,

Ngân dội lời tình điệu hát xuân.



III. KẾT LUẬN

Một thời đại thơ ca được Hoài Thanh cô đọng trong sách Thi Nhân Việt Nam dày 400 trang, gồm trên 40 nhà thơ, riêng Huế có 6, chiếm tỉ lệ 15% cao nhất nước. Kết quả này khẳng định câu nói “Huế đẹp Huế thơ” là đúng. Nam Trân, nhà thơ xứ Quảng nhưng lại yêu Huế với tất cả tâm hồn, đã làm một bài thơ Huế nổi tiếng tên là “Đẹp Và Thơ” có 2 câu đầu như sau:

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,

Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo...

Và cũng chính ông đã viết cả một tập thơ Huế nhan đề “Huế đẹp và thơ” xuất bản năm 1939. Có lẽ từ đó câu nói “Huế đẹp Huế thơ” trở thành quen thuộc với tất cả mọi người mỗi khi nhắc đến Huế chăng?

Ở phần cuối sách, nhà phê bình Hoài Thanh có viết một đoạn rất thú vị như sau:

“Bạn hỏi tôi: “Thi sĩ đâu mà nhiều thế? Mới mười năm mà trên bốn mươi người! Thời đại này dầu phong phú cũng không lẽ thế.” Nhưng bạn hãy nghĩ: Báo Đông Pháp vừa mở một cuộc thi thơ, tất cả có 1.500 người dự. Đó chỉ là thơ cũ, một thứ thơ còn ngoi ngóp. 1.500 thi sĩ cùng ra đời một lần! Trong nước ta có bao nhiêu người biết đọc biết viết là là có chừng ấy thi sĩ. Có lẽ số thi sĩ lại nhiều hơn cũng nên. Chán chi người không biết đọc biết viết cũng làm thơ. Mà thơ họ vị tất đã thua thơ người có học.

Vậy nước ta có bao nhiêu thi sĩ? 40.000 hay 400.000? 4.000 người có thơ đăng báo in sách, chừng 40 người có trích trong quyển này, và may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế!”

Đọc qua đoạn trên chúng ta thấy thời tiền chiến và thời của chúng ta hiện nay về lãnh vực thơ ca sao mà giống nhau quá! “Thi sĩ đâu mà nhiều thế?”

Nếu thời tiền chiến có 4.000 người có thơ đăng báo so với dân số 20 triệu (Dân hai mươi triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con) thì thời chúng ta hiện nay dân số 80 triệu đông gấp 4 lần với phương tiện truyền thông thông tin hiện đại... thì phải có ít nhất là 16.000 thi sĩ, con số này nói lên một điều là VN có quá nhiều thi sĩ. Vì có quá nhiều thi sĩ, nên trước đây nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói “Mỗi người VN là một thi sĩ” và năm ngoái trên báo Phương Đông (ở MA) nhà văn Xuân Vũ cũng viết: “Mỗi công dân VN là một thi sĩ”. Nếu đúng như thế, thì quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta cũng là quê hương của những nhà thơ, những người có thể nghèo khổ về vật chất nhưng lại giàu có về tâm hồn.

Và đây cũng là một cách để cắt nghĩa tại sao chúng ta hãnh diện mình là người Việt Nam.



VINH HỒ



Tài liệu tham khảo:

“Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân, (in lần thứ nhất tại Bắc Việt 1942) tái bản tại SG 1967.