Hàn Sĩ Nguyên

THƠ LỤC BÁT


============= 
THI PHÁP
HÀN SĨ NGUYÊN

============= 

LÀM THƠ

Lúc túng mưu mô quỵt cả ... Trời
Trời cười truyền chỉ bác Thiên Lôi
Mau mau tóm gã ngông cuồng đó
Bắt hắn làm thơ ... trả nợ đời

Tấp tểnh làm thơ, tập tễnh mơ
Từ năm mười sáu đến bây giờ
Một câu một chữ không nên trọn
Rõ ngọng làm thơ, rõ ngốc mơ

Rượu nốc tì tì dăm bảy hũ
Thơ nặn không ra lấy nửa vần
May mà Thi Thánh đem lòng giúp
Phong trần lãng tử hóa thi nhân

HSN (Tự trào)
_________________

Ngày tháng đong đưa đời gió bụi
Mặc ai xa mã chốn gian trần

==========
THI PHÁP

Nội Dung

==========
Thi Pháp là một tập tư liệu biên khảo bao gồm chín nội dung như sau :

1-Thơ Lục Bát Chính Thể
2-Các Biến Thể của Thơ Lục Bát
3-Thất Ngôn Bát Cú Xưa và Nay
4-Xướng Họa và Liên Ngâm với TNBC
5-Thơ Mới 7 chữ
6-Thơ Mới 3,4,5,6 chữ
7-Thơ Mới 8 chữ
8-Thơ Lập Thể
9-Thơ Tự Do

***Đôi lời phi lộ

1-Mục đích của loạt bài này là nhằm giúp các bạn trẻ yêu thơ, nhưng chưa biết cách làm thơ, có cơ hội trang bị một số công cụ quan trọng cần thiết khi sáng tác.

Thử tưởng tượng một người thợ mộc nếu không có cưa, giũa, đục, bào, kìm, búa v.v... thì biết xoay sở làm sao với thanh gỗ, làm sao mà tạo ra được những tác phẩm bình thường, còn nói gì đến những tuyệt tác tinh xảo ?

Làm thơ cũng là một hoạt động sáng tạo, cũng đòi hỏi phải có những công cụ, những thủ thuật, những kỹ xảo, những yếu quyết riêng của nó vậy.

2-Đối tượng của loạt bài này là các bạn trẻ yêu thơ, muốn khởi đầu nghiệp thi ca tài tử của mình, mà hành trang chưa có chút vốn liếng nào, thậm chí cũng không biết khởi đầu từ đâu; Một đối tượng khác nữa là một số các bạn thơ đã biết , đã ít nhiều lăn lóc với thơ và còn muốn trang bị thêm những kiến thức về nó

Xin các bạn thơ đã có bản lãnh rồi miễn trách việc tôi nói dông nói dài nhé. Những bất đồng quan điểm nếu có, xin cũng mạn phép Miễn Tranh Luận. Vì thật ra, để đến La Mã có rất nhiều đường. Những khái niệm mà tôi nêu ra ở đây chỉ là một trong vô số các đường ấy mà thôi. Nếu những con đường này có khác biệt nhau, cũng không có gì là lạ cả.

3-Các thí dụ minh hoạ trích dẫn ở đây xuất xứ từ 2 nguồn :

-Một là: từ các thi hào danh tiếng như Nguyễn Du, v.v....Học tập, bắt chước các danh sĩ đã có tiếng tăm là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.

-Hai là: từ chính những bài viết của Hàn Sĩ Nguyên. Mục đích của việc này không phải để đề cao mình, mà là nhằm chứng minh cho các bạn trẻ thấy HSN (cũng tầm thường, bình thường như các bạn) bắt chước các danh sĩ được, thì các bạn trẻ cũng làm được; theo kiểu “Yan can cook, you can, too !” vậy. Việc học tập , bắt chước Nguyễn Du v.v... không hề nằm ngoài khả năng của các bạn đâu. Chẳng có gì phải tự ti mặc cảm cả, các bạn ạ.

HSN trân trọng
============
THI PHÁP
Phần I

Thơ Lục Bát

============
Bài 1-Làm sao làm thơ Lục Bát ?
Bài 2- Những lỗi thường gặp trong thơ Lục Bát
Bài 3-Những thủ pháp Mỹ từ hoá trong thơ Lục bát
oOo

Bài 1-Làm sao làm thơ Lục Bát ?

1-Thơ Lục Bát là gì ?

Là một thể thơ thuần túy Việt Nam, gồm một câu 6 chữ, nối theo một câu 8 chữ, rồi lại một câu 6 chữ, một câu 8 chữ ... liên tiếp vô cùng vô tận

2-Độ dài của một bài thơ Lục Bát:

a- Lục bát ngắn:

+Bài ngắn nhất gồm 2 câu: một câu lục (6 chữ), một câu bát (8 chữ) thường gặp trong ca dao, thí dụ như :

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

+Các bài ngắn khác gồm 4, 6, 8, 10 câu, thí dụ như :

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn , trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ

b-Lục bát trung bình :

Thường có độ dài từ 12 đến 24 câu, tối đa là 36 câu mà thôi. Nếu dài quá bài thơ sẽ bị nhàm chán, mất hay.

Chẳng thương ...

Chẳng thương cũng gọi rằng chồng
Chẳng tình cũng nghĩa, chẳng mong cũng chờ
Ai làm cho rối duyên tơ
Gió xuân hiu hắt, nhạt nhòa mưa xuân
Hỏi người tham bã phù vân
Nhớ chăng bể ái nguồn ân thuở nào
Lưng dưa dĩa muối bên nhau
Gừng cay khế ngọt biết bao nhiêu tình
Ngỡ rằng phu quý phụ vinh
Ngờ đâu rũ áo dứt tình theo ai
Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn
Trách mình số kiếp gian nan
Trách trời ghen ghét hồng nhan muộn rồi!
Mộng mơ chi lắm người ơi
Nồi nào vung nấy suốt đời thong dong

Mộ Trung Nhân

c-Trường thiên lục bát :

Thường gặp trong các bộ truyện thơ , thí dụ như :

-Thạch Sanh Lý Thông (1790 câu)
-Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh (3254 câu)
-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư (3380 câu)

Truyện thơ dài nhất tính đến nay được biết là bộ truyện thơ Cuộc đời Chúa Cứu Thế (hơn 9 ngàn câu)

3-Cách gieo vần trong thơ Lục Bát :

Lục Bát chính thể là thể loại nối tiếp một câu 6, một câu 8 rồi lại đến một câu 6, một câu 8 khác , cứ thế nối tiếp nhau, trong đó cách gieo vần như sau:

-Chữ thứ 6 câu 1 ăn vần với chữ thứ 6 câu 2
-Chữ thứ 8 câu 2 ăn vần với chữ thứ 6 câu 3
-Chữ thứ 6 câu 3 ăn vần với chữ thứ 6 câu 4
-Chữ thứ 8 câu 4 ăn vần với chữ thứ 6 câu 5

..... cứ như thế nối tiếp nhau mãi

Thí dụ 1: Ca dao

Anh về rẫy vợ anh RA
Công nợ em trả, mẹ GIÀ em NUÔI
Anh đã rẫy vợ anh RỒI
Công nợ anh trả, anh NUÔI mẹ già .

Thí dụ 2 : Cây thông ( Nguyễn Công Trứ )

Ngồi buồn mà trách ông XANH
Khi vui muốn khóc, buồn TÊNH lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà REO
Giữa trời vách đá cheo LEO
Ai mà chịu rét thì TRÈO với thông .

4-Luật Nhị Tứ Lục trong thơ Lục bát : (Luật B-T-B)

Điều này không quy định thành luật bắt buộc chính thức, nhưng thường thì muốn cho một câu thơ hay, phải tuân thủ luật nhị tứ lục (chữ thứ 2,4,6 trong câu phải mang thanh Bằng, Trắc, Bằng theo thứ tự).

+Riêng chữ thứ 2 được phép linh dộng tự do, muốn Bằng Trắc gì cũng được

+Mấu chốt ở nơi chữ thứ 4 bắt buộc phải là thanh Trắc ( có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng ) và chữ thứ 6 bắt buộc phải là thanh Bằng ( không dấu, hoặc dấu huyền ) .

Tóm tắt : Phải tuân theo luật 'Tứ Trắc Lục Bằng'

5-Luật Phù Trầm trong thơ Lục bát :

Phù : nổi
Trầm : chìm
Bình thanh : thanh bằng
Phù bình thanh : thanh bằng nổi, không dấu
Trầm bình thanh : thanh bằng chìm, có dấu huyền

Trong câu bát (câu 8 chữ) của bài Lục bát, đã hình thành một quy luật, một giao ước như sau :

-Nếu chữ thứ 6 của câu bát là Trầm Bình Thanh (dấu huyền) thì chữ thứ 8 của câu ấy phải là Phù Bình Thanh (không dấu).

Thí dụ :

Người đi, người đã đi rồi
Sao còn đứng đó ngậm NGÙI mà CHI

(HSN-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư)

-Ngược lại, nếu chữ thứ 6 là Phù Bình Thanh (không dấu) thì chữ thứ 8 phải là Trầm Bình Thanh (dấu huyền).

Thí dụ :

Hỡi ơi người đó ta đây
Trăm năm trăm tuổi bèo MÂY hững HỜ

(HSN-Mộ Sầu)

Tóm lại :

Chỉ cần bấy nhiêu vốn liếng thôi, các bạn cũng đã đủ để viết được thơ lục bát rồi vậy.

Tuy nhiên, muốn viết được một bài Lục bát cho hay, nhất thiết phải tránh không để vấp phải lỗi Lục bát trôi xuôi, lỗi lạc vận và lỗi vần trùng lặp

==============================

Bài 2- Những lỗi thường gặp trong thơ Lục Bát

1-Lỗi vần trùng lặp
2-Lỗi lạc vận
3-Lỗi Lục bát trôi xuôi

==============================

1-Lỗi vần trùng lặp

Như đã nói trong phần “Cách gieo vần trong thơ Lục Bát chính thể” ở trên :
-Chữ thứ 6 câu 1 ăn vần với chữ thứ 6 câu 2 : Yêu vận
-Chữ thứ 8 câu 2 ăn vần với chữ thứ 6 câu 3 : Cước vận
-Chữ thứ 6 câu 3 ăn vần với chữ thứ 6 câu 4 : Yêu vận
-Chữ thứ 8 câu 4 ăn vần với chữ thứ 6 câu 5 : Cước vận

Trong đó :
-Yêu vận là vần lưng, gieo ở giữa câu (Yêu = lưng), mục đích nối kết câu 6 với câu 8
-Cước vận là vần chân, gieo ở cuối câu (Cước = bàn chân), mục đích để chuyển sang một vần mới

Thí dụ :

Tình Cờ

Tình cờ gặp lại nhau đây
Tóc vương màu cỏ, áo phai bụi ĐƯỜNG
Gợn buồn xen lẫn yêu thương
Chút tình thơ dại vấn vương bao NGÀY
Ngượng ngùng tay lại cầm tay
Rưng rưng mắt biếc, ngây ngây má HỒNG
Nhìn nhau lòng những thẹn thùng
Vì đâu ai bỗng lạnh lùng với AI ?
Người song cửa, kẻ chân mây
Gặp nhau may chỉ phút giây tình CỜ !

Hàn Sĩ Nguyên

Tóm lại :

Chữ thứ 8 trong câu bát có nhiệm vụ chuyển đoạn thơ kế tiếp sang một vần mới. Vần của nó phải khác với vần của chữ thứ 6 trước đó


Như trong bài Tình cờ nói trên, những chữ thứ 8 trong các câu bát cụ thể là ĐƯỜNG (trong câu 2), NGÀY (trong câu 4), HỒNG (trong câu 6), AI (trong câu 8) và CỜ (trong câu 10) có nhiệm vụ chuyển đoạn thơ kế tiếp sang một vần mới, giúp cho bài thơ không bị trùng lặp về vần, tránh sự nhàm chán

***Nếu vì sơ xuất mà viết chữ thứ 6 và chữ thứ 8 cùng một vần, ta sẽ mắc phải lỗi vần trùng lặp.

Thí dụ :

Thôi đừng mơ tưởng bên nhau
Thế nhân lắm kẻ chung ĐẦU phụ SAU

Hoặc :

Tàn rồi một cánh hoa mơ
Trên sông khuya nhớ bến BỜ lửng LƠ

Trong những câu bát này, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 cùng một vần, hậu quả là đoạn thơ kế tiếp cũng sẽ cùng một vần với đoạn trước đó... Đó là lỗi vần trùng lặp, làm cho bài thơ bị nhàm

Để tránh lỗi này, khi viết câu bát ta chỉ cần lưu ý cho chữ thứ 6 và chữ thứ 8 khác vần là xong .

2-Lỗi lạc vận :

-Tu từ ( các thủ pháp mỹ từ hoá )
-Tiết tấu bổng trầm ( do luật phù trầm , tứ trắc lục bằng quyết định )
-Sự hoà hợp về vần

Là những yếu tố quan trọng nhất, góp phần hình thành nên một bài thơ hay. Sự hoà vận này bao gồm bốn mức độ khác nhau:

a-Chính vận :

-A với A
-I với I
-AI với AI
-ONG với o­nG v.v....
gọi là chính vận ( vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy )

b-Thông vận :

-A với OA
-I với Ê, IA
-AI với AY, ÂY
-EM với ÊM, IM, IÊM
-ANH với INH, ÊNH
-ONG với ÔNG - UNG v.v...
gọi là thông vận (vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được)

c-Cưỡng vận :

-AN với ANG
-ON với OM, ÔN với ÔM
-IN với INH, IM
-ÊN với ÊM, ÊNH v.v.....
gọi là cưỡng vận (vần ép, vần cưỡng bách)

d-Lạc vận :

-Ơ với ƠI
-A với AI, IA
-ÔI với ÔN, ÔM, ÔNG
-ƠI với ƠN
-AI với AN , ANG v.v....
gọi là lạc vận ( vần ăn... trét; không hoà vận )

Trong 4 cách hoà vận nói trên

-Chính vận thường chặt chẽ, nhưng cũng gò bó, kém phần linh động.
-Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng
-Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ

Tóm lại :

Cả ba cách hoà vận nói trên đều dùng được. Chỉ riêng Lạc vận là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng

Những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều về cách thức gieo vần vậy. Nói chung là cái gì Nguyễn Du làm được, ta cũng có thể noi theo được.

3-Lỗi Lục bát trôi xuôi :

Một bài lục bát dẫu thật chuẩn về âm vận (vần) và tiết tấu (theo đúng luật tứ trắc lục bằng, và luật phù trầm), nhưng nếu vấp phải lỗi lục bát trôi xuôi, thì cũng chỉ là một bài thơ tầm thường mà thôi.

Như thế nào gọi là lục bát trôi xuôi ?

Lục bát trôi xuôi là một bài lục bát ý thơ trải đều một nhịp, miên man trôi chảy đều đều từ đầu đến cuối như một dòng sông lặng lẽ, không có đột biến, không cả mỹ từ pháp. Nói cách khác, đó là bài thơ phạm phải lỗi MONOTONE (đều đều một nhịp) vậy

Thí dụ về một bài Lục bát trôi xuôi :

Đoá hồng

Anh cho em một đóa hồng
Khơi lên hy vọng trong lòng của em
Anh ơi em khóc bao đêm
Lòng em chết rũ trong niềm yêu thương
Em thức trắng một canh trường
Vừa yêu nhau đấy người thương xa rồi
Tay em nắn nót tên người
Đóa hồng trên giá trêu ngươi cợt đùa...

( Tác giả vô danh )

Trong bài thơ này, vần gieo khá chặt chẽ, chính xác, luật tứ lục, phù trầm phân minh, nhưng phạm lỗi lục bát trôi xuôi nên ý thơ dẫu hay đến mấy thì cách thể hiện cũng thật là tầm thường vậy

***Làm thế nào tránh được lỗi “Lục bát trôi xuôi” ?

Câu trả lời duy nhất là phải áp dụng các thủ pháp tu từ, hoặc mỹ từ pháp mới có thể tránh được lỗi này. Và đó cũng chính là nội dung của bài sau : bài 3.

===============================

Bài 3 –Thuật sử dụng Mỹ Từ Pháp trong thơ Lục Bát

I-Thủ pháp Ngắt mạch
II-Thủ pháp Tiểu đối
III-Thủ pháp Câu đồng dạng
IV-Thủ pháp Đảo ngữ & Ẩn ngữ
V-Thủ pháp Điệp ngữ
..v.v..
===============================

Để tránh lỗi Lục bát trôi xuôi (một lỗi nặng), và cũng để nâng cao giá trị một bài thơ lục bát, cách duy nhất là phải sử dụng Mỹ Từ Pháp, bao gồm những thủ thuật như sau :

I-Thủ pháp Ngắt mạch :

Một cặp thơ lục bát bao gồm 2 câu 14 chữ, nếu để nó trôi xuôi hết cặp này nối theo cặp khác, tất nhiên không thể tránh khỏi bị nhàm chán.

Thủ pháp ngắt mạch không những giúp tạo đột biến cho dòng chảy, mà còn gia tăng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị cho câu thơ nữa

1-Ngắt mạch 2/2/2 trong câu lục và 2/2/2/2 trong câu bát:

Thay vì một câu lục 6 chữ diễn tả một ý SVO ( chủ từ - động từ - đối từ ) kiểu như :

- Anh (S) cho (V) em (IO) một đoá hồng (DO)
(IO: indirect object, đối từ gián tiếp chỉ người.
DO: direct object, đối từ trực tiếp chỉ vật)

Câu lục có thể phân làm 3 đoạn, mỗi đoạn 2 chữ mang một ý, một hình tượng nào đấy, lập tức câu lục này sẽ mang 3 hình tượng vừa làm giàu cho câu thơ, vừa phá thế đơn điệu .

*Thí dụ : Từ 2 câu đầu bài “Đoá hồng”:

Anh cho em một đoá hồng
Khơi lên hy vọng trong lòng của em

Có thể sử dụng thuật “Ngắt mạch 2/2/2” viết lại thành :

Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng
Cho em, cho cả tấm lòng thương yêu

*Các thí dụ khác :

Này chồng / này mẹ / này cha
Này là em ruột / này là em dâu
..................................(Nguyễn Du-Kiều)

Râu hùm / hàm én / mày ngài
Vai năm tấc rộng / thân mười thước cao
........................................(ND-Kiều)

Sấm vang / chớp giật / gió đưa
Mây mù se mối / hạt mưa kết tình
........................(HSN-Người trong mưa)

Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi / trâm gãy / bèo trôi / hoa tàn
............................(MTN-Chẳng thương)

2-Thủ pháp ngắt mạch 3/3 (Câu 6) và 4/4 (Câu 8) :

Ngắt câu lục thành 2 đoạn, mỗi đoạn 3 chữ, ngắt câu bát thành 2 đoạn mỗi đoạn 4 chữ

Thí dụ :

Khi chén rượu / khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở / khi chờ trăng lên
............................................(ND-Kiều)

Khi gió mát / khi trăng thanh
Ai người nhắc kẻ lữ hành đường xa
..............................................(HSN-Ngàn dâu)

Người song cửa / kẻ chân mây
Gặp nhau may chỉ phút giây tình cờ
.........................................(HSN-Tình cờ)

3-Các thủ pháp Ngắt mạch khác :

-1/5 trong câu lục, thí dụ :

Rằng /: Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thời cũng người ta thường tình
.............................................(ND-Kiều)

-2/4 trong câu lục, thí dụ :

Vầng trăng / ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc / nửa soi dặm trường
..............................................(ND-Kiều)

Mảng nghe : / Tần chẳng có vua
Thái hậu nhiếp chính ầu ơ điện tiền

.......(HSN-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư)

-3/5 hoặc 3/3/2 trong câu bát, thí dụ :

Hoàng thiên bất phụ hảo tâm
Chẳng bao lâu / tất sắt cầm hợp hoan
.......................(HSN-Hoa Cúc Vàng)

-2/6 hoặc 2/4/2 trong câu bát, thí dụ :

Ôi Kim lang / hỡi Kim lang
Thôi thôi / thiếp đã phụ chàng từ đây
...............................................(ND-Kiều)

Tóm lại :

Trên đây là các thủ pháp ngắt mạch chính nhằm tạo ra đột biến và làm giàu cho câu thơ. Lưu ý rằng ở vị trí ngắt mạch muốn để dấu phẩy cũng được, mà không đặt dấu chấm câu cũng được, để người đọc tự ngắt mạch lấy mới hay!

HSN

-----------------

-Còn tiêp