Hoàng Ân

Hoàng-Ân

BẢN LAI VÔ NHẤT VẬT

   

      Trong cõi người, luôn luôn tôn-giáo đáp-ứng một nhu-cầu chung của nhân-quần.  Như bàn tay có những ngón dài, ngắn khác nhau, những tôn-giáo có khác nhau, nhưng cùng là một hình-thức cần-thiết cho con người để hướng đến một năng-lực vĩ-đại hơn sự hữu-hạn của con người trước thiên-nhiên cuồng-nộ và vũ-trụ thiên biến vạn hóa.
     Triết-thuyết thần-học Âu và Á vốn-dĩ khác biệt hẳn nhau.  Đặc-trưng là đạo thượng-tế độc-tôn (monotheism) tây-phương mượn từ dân-tộc Do-Thái và Bà-La-Môn giáo của Ấn-Độ hoàn-toàn khác biệt với những đạo-giáo phát-triển mạnh ở cực Đông của Á-Châu như Phật-giáo, Khổng-giáo, Lão-giáo, Thiền-học: triển-khai dễ-dàng với giáo-thuyết cơ-bản là đạo thờ cúng Tổ-Tiên.
    Điểm tương-đồng của các tôn-giáo là niềm tin vào phép lạ: như Giê-Su sinh bởi trinh-nữ, đuổi quỷ khỏi người điên, biến bánh mì và cá đủ cho hằng vạn người, dựng người chết sống lại.  Bên Phật-giáo thì đức Phật Tổ khi vừa sinh ra bước bẩy bước bẩy hoa sen nở dưới gót.  Như con cháu tôi không thể tin rằng "người lớn" có thể tin vào những bí-tích hoang-đường như vậy. 

     Và trước sau gì, con người cũng đi tìm những sự thật của thế-giới siêu-nhiên.  Câu hỏi đặt ra là tại sao phần đông nhân-quần lại cảm thấy cần phải có một kẻ trung-gian giữa một sinh-linh và cái Gốc Nguồn Thiêng-Liêng của Sự Sống? Có những tinh-hoa trong tất cả những di-sản tinh-thần của tiền-nhân để lại rất phong-phú.  Nhưng cuộc viễn-hành của mỗi người trong chúng ta đều chỉ có một mình ta mò-mẫm để tự tìm ra ý-nghĩa cho đời ta.  Sống trên mặt hành-tinh địa-cầu với thiên-nhiên hùng-vĩ giữa vũ-trụ với hằng hà sa số tinh-tú tuyệt-hảo mà khoa-học vũ-trụ chụp được: ta không thể không cảm nhận rằng có một nguồn năng-lực huyền-bí vĩ-đại cưu-mang chúng ta.  Và chúng ta sẽ lên đường để gia-nhập với ý-chí mong tìm ra nó là gì.  Nhưng làm sao ta có thể thoát ra khỏi thói quen khái-niệm nhị-nguyên (dualism) xã-hội lập nên trong trí ta từ khi còn bé thơ? để ta có thể tiếp-thụ trực-tiếp với Cội Nguồn Hóa-Sinh nên ta?  Ở đó là cái hay của thần-học Đông-Phương: bằng những phương-pháp thần-tình chú-trọng trước nhất vào sự khai-thị con mắt thứ ba mà đạo Phật gọi là huệ-nhãn.  Nhất là Thiền-học với những khái-niệm không ngừng đập đổ nhau trong miền trí-tưởng để như đốn bớt rừng cây để tỏ lộ bầu trời. Như pháp "hữu" bị đập đổ bởi khái-niệm "không" (nothingness); và khái-niệm về không ấy lại bị đốn ngã bởi khái-niệm "không-không" (non-nothingness); để rồi lại có "không không-không" (non-non-nothingness).

    Tôi đang bắt đầu cuộc hành-trình ấy.  Và sau khi nghiên-cứu bộ Kinh-Thánh của đạo Công-Giáo xong, tôi lại trở lại với bộ Đạo-Đức-Kinh của Lão-Tử và Thiền-Học được dịch sang Việt-Ngữ.  Quả thật rằng quan-niệm trong đạo-giáo Á-Đông giống như một con lộ thênh-thang nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng trùng trùng những khái-niệm bí-hiểm: bởi ngôn-ngữ chính như chìa khóa mở cửa vào kho-tàng kiến-thức, nhưng cũng như những quả mìn có thể đưa đến sự "tẩu hỏa, nhập ma" vì rừng tư-tưởng không thể nào không dùng ngôn-ngữ để tạm giảng-giải nhừng khái-niệm siêu-nhiên.

     Ngay chương đầu tiên trong bộ Đạo-Đức-Kinh của Lão Tử đã như gỡ mắt lưới và thả con cá trí-tưởng về nước của tự-do bằng cách xóa-bỏ hẳn những khúc mắc của trí-tưởng bị kẹt bởi những khái-niệm giới-hạn được đặt vào tâm-trí qua công-khó của xã-hội để huấn-luyện thành-nhân của nó có thể sống còn giữa nhân-quần.

     Đạo khả đạo phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh.
     Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.
     Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; Thường hữu dục dĩ quan kỳ diệu.
     Thử lưỡng dả đồng xuất dị danh; Đồng vị chi huyền: Huyền chi hựu huyền.
     *(Dịch nghĩa:  Đạo có thể nói được không phải là đạo thường.  Tên có thể gọi được không phải tên thường.  Không tên là trước, đầu trời đất; có tên là mẹ của vận-vật.  "Không" là gọi cái trước trời đất; "Có" là mẹ muôn loài.  Thường tĩnh-lặng để cảm cái biến-hóa không thường của cái "Không".  Thường cảm nhận để hiểu tới chỗ đi tới cùng tinh-tế cực điểm của vạn vật.  Hai cái ấy đều do một nơi sinh ra mà tên khác nhau.  Đều là huyền-ảo, sâu kín mịt-mờ.  Bí ẩn lại càng bí-ẩn, ấy là cửa phát ra mọi biến-hóa khôn-lường của sự vật.

Đạo: bản-thể hiện-hữu (existence)
Huyền: sâu kín, mờ-mịt, lặng yên không có
Thủy: mới, trước, lúc đầu
Thường: lâu dài, không biến đổi
Danh: tên gọi trong vũ-trụ hiện-thể: những gì giác-quan cảm được về vũ-trụ hiện-thể: tai nghe là danh; mắt thấy là tướng; khái-niệm tức cái thấy của ý-thức
Thể: cái nguyên-lý bao-hàm của Đạo
Dụng: cái tạo nên được, thi-hành được: cái cảm ứng bên ngoài của Đạo.  Thực-chất của Đạo là một cái gì thực-tại ta quy-ước với nhau gọi là Đạo; nhưng những tục-thức gọi là vật-thể hay khái-niệm chỉ là hiện-tượng, hình-trạng, giảng-thức của Đạo, biến đổi không ngừng, luôn lưu-động, xuất-nhập với nhau, không hề cố-định hay có giới-hạn biệt-lập.
     Nguồn gốc của Đạo trong vũ-trụ là một Lẽ Tuyệt-Đối, không chi có thể dùng để đối-đãi với nó được, vì vậy không thể lấy danh-từ của giới nhị-nguyên (dualism) đối-đãi.  Bất đắc mà gượng mà ép vào âm-từ mà thôi.

     Thiền-học chú trọng vào khai mở vào cõi uyên-nguyên bằng trực-giác.  Những thiền-sư cho rằng trí-thức tạo nên giới-hạn cho sự tri-giác trực-tiếp với (Đạo) như cây rừng già làm cách biệt với bầu trời là sự thật.
     
     Giáo ngoại biệt truyền                  
     Bất kỷ văn tự
     Trực chỉ nhân tâm
     Kiến tánh thành Phật
     **(Dịch:)
     Truyền riêng ngoài giáo
     Chẳng lập văn tự
     Chỉ thẳng vào tâm người
     Thấy tánh thành Phật

     Câu chuyện Ngũ Tổ Tào Khê tìm Lục Tổ cho ta hiểu rõ ý-nghĩa trong thiền-học.  Thần Tú nộp bài kệ:

     Thân thị Bồ-Đề thụ
     Tâm như minh kính đài
     Thời thời cần phất thức
     Vật sử nhạ trần ai
     **(Dịch:)
     Thân-thể ví như cây bồ-đề
     Tâm thần ví như đài gương sáng
     Luôn luôn chăm lau quét
     Chớ để bám bụi đời

     Ngũ Tổ Tào Khê trả lời: "Ngươi làm bài kệ ấy chưa thấy bản-tính, chỉ mới đến cửa ngoài chứ chưa vào được trong nhà.  Theo chỗ thấy hiểu mà cầu đạo Vô-Thượng Bồ-Đề (cái biết tối cao) thì không được.  Bồ-đề tối cao cần phải nói ra là nhận được bản-tâm, thấy được bản-tánh, không sinh không diệt, đâu đâu đều thấy hết, giây nghĩ nào cũng thấy tất cả hiện-tượng trong vũ-trụ, không vướng mắc.  Một điều chân-thật, thảy đều chân-thật, muôn cảnh vật đều tự-nhiên như nhiên.  Cái tâm như như ấy là chân-thật.  Nếu thấy được thế ấy là tự-tính Bồ-Đề tối cao vậy."**

    
Và Huệ Năng đã được chọn làm Lục Tổ với bài kệ:

     Bồ-đề bản vô thụ
     Minh kính diện phi đài
     Bản lai vô nhất vật
     Hà xứ nhạ trần ai
     **(Dịch:)
     Bồ-đề vốn không có cây
     Gương sáng cũng không phải đài
     Nguyên-lai không có một vật gì cả
     Bụi đời còn bám vào đâu

    Như câu người Mỹ thường nói: "Ta không cần phải tái-tái-chế ra bánh xe." ("We don't need to reinvent the wheel.")  Có những tinh-hoa mà tiền-nhân khó nhọc tìm-tòi để lại làm di-sản cho kẻ đến sau.  Sự đời vốn-dĩ luôn là kim-cương rất hiếm trong khi rác-rưởi thì nhiều, ta có quyền chọn-lựa nên giữ lại những tinh-hoa trong di-sản trùng trùng ấy.  Nếu nghiệm kỹ lại những cá-thể sinh-linh như người thắp đuốc viễn-hành giữa vùng hoang-dã trong đêm đen, những ánh đuốc của khách đồng-hành làm ấm lòng ta và giúp ta thêm nghị-lực để tìm đến với định-mệnh riêng và chung.  Tôi rất thích câu nói mà tôi đã quên tên tác-giả: "Don't walk in front of me, I may not follow.  Don't walk behind me, I may not lead.  Just walk beside me and be my friend."  ("Xin đừng đi trước tôi, tôi có thể không đi theo.  Xin đừng đi theo sau tôi, tôi có thể không dẫn đạo.  Xin hãy đi bên cạnh tôi và chỉ làm bạn của tôi."

    Mong gặp bạn khi ta đã đến nơi: "Hope I will see you THERE soon! (Mỉm cười!)

.....................................................................................................................
* Bản dịch Đạo-Đức-Kinh của Lão Tử do Hạo Nghiêm Nghiêm Toản Triệu Văn Thi
**Trong "Thiền-Học Việt-Nam" của Nguyễn Đăng Thục