Thơ Lục Bát (8) : Các hình thức Lục Bát Biến Thể I


=================

THI PHÁP - Phần II

LỤC BÁT BIẾN THỂ

=================



Nội dung phần II

Các biến thể của thơ Lục Bát bao gồm :


1-Lục bát ngắt câu

2-Lục bát “Tứ Bằng Lục Trắc”

3-Lục Bát thêm vào (Lục bát More)

4-Lục bát biến thể âm vận (Lục bát Bút Tre)

5-Lục Bát Trắc vận

6-Lục bát xen kẽ, và Lục bát kết bài

7-Song Thất Lục Bát

8-Lục Bát Lập thể

=================

I-LỤC BÁT BIẾN THỂ NGẮT CÂU

(Lục bát đoạn cú)


1-Tiết tấu nhanh chậm, hối thúc trong một câu thơ :



-Một câu thơ nếu để trôi xuôi, sẽ có dạng như một dòng nước lững lờ, đều đều lặng lẽ.

Thí dụ :

Anh cho em một đoá hồng

Khơi lên hy vọng trong lòng của em


-Với thủ pháp ngắt mạch [Xin xem lại ở phần I, Thơ Lục Bát, Mỹ Từ Pháp, thủ pháp ngắt mạch], ta có thể dễ dàng thay đổi nhịp điệu của dòng chảy ấy, khiến cho nhịp thơ nhanh hơn, cuồn cuộn hơn, hối thúc hơn

Thí dụ :

Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng

Cho em, cho cả tấc lòng yêu thương


Thí dụ khác :

Em là hạt cải gió đưa

Anh quen em lúc trời mưa bất ngờ

Viết lại bằng thủ pháp ngắt mạch :

Sấm vang, chớp giật, gió đưa

Mây mù xe mối, hạt mưa kết tình


-Khi muốn có một tiết tấu chậm hơn, thậm chí ngập ngừng, e dè, thủ pháp ngắt mạch cũng thường được sử dụng, kèm theo những dấu 3 chấm

Thí dụ :

Anh bây giờ ... còn lại ... một mình thôi

Tóm lại :

Chính thủ pháp “Ngắt mạch” đã có hiệu ứng thúc đẩy tiết tấu nhanh chậm, mạnh mẽ, hối thúc, hoặc chậm rãi, ngập ngừng ... của một bài thơ vậy

2-Lục bát biến thể ngắt câu :


Hai câu lục bát được ngắt mạch ra thành những câu ngắn hơn, phân biệt hoàn toàn bằng cách xuống dòng. Các thí dụ :


Biến thể [6/8] thành [3,3/8] hoặc [3,3/4,4]


Trời trong xanh, nước trong xanh

Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con

Đàn tơ sáo trúc nỉ non

Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ


Viết lại thành [3,3/8] :


Trời trong xanh,

Nước trong xanh

Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con

Đàn tơ sáo trúc nỉ non

Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ


hoặc [3,3/4,4]


Trời trong xanh,

Nước trong xanh

Êm êm tiếng hát,

Bập bềnh thuyền con

Đàn tơ sáo trúc nỉ non

Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ


Biến thể [6/8] thành dạng [2,2,2/8], [2,2,2/4,4] hoặc [2,2,2/3,5], [6/2,2,2,2] v.v...


Một mai phấn nhạt hương phai

Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn

Viết lại thành dạng [2,2 ....]


Một mai

....... phấn nhạt

................hương phai

Bình rơi

....... trâm gãy

...............bèo trôi

.......................hoa tàn

Tóm lại :


Lục bát biến thể ngắt câu là một dạng lục bát mới xuất hiện khoảng 30 năm gần đây, và thường được coi như một trong các dạng Thơ tự do. Thể loại này khá hay, đặc biệt là diễn tả được tiết tấu nhanh chậm, hối thúc, hoặc ngập ngừng, chậm rãi của mạch thơ.

Một hậu quả xấu :


Khi ngắt mạch bừa bãi, tuỳ hứng, không vì một mục đích gì rõ rệt, hoặc vì không hiểu thủ thuật ngắt mạch, thì hậu quả là ta sẽ có được những bài ... “Lục bát ... tốn giấy” (!) , cũng hay được gọi đùa là ... “Lục nồi ... lung tung” (!)


Thí dụ :

Con mèo

.............mà

..................trèo cây cau

Hỏi thăm

..........chú chuột

.................đi đâu vắng ...

................................. nhà !

[... Thật là dị hợm phải không các bạn ? .....]


Thêm một thí dụ về Lục bát biến thể ngắt câu (của tác giả Promise) :

BẤT NGỜ


Bất ngờ nắng

Bất ngờ mưa

Bất ngờ anh đến

Lòng chưa hỏi lòng


Bất ngờ gió

Bất ngờ giông

Bất ngờ em nhớ

Anh không lại tìm


Kẻ quay đi

Người trách mình

Bất ngờ gặp gỡ

Vô tình chia xa.


Promise

(Trên thi đàn TTVNOnline.com)

II-LỤC BÁT BIẾN THỂ

TỨ BẰNG LỤC TRẮC


1-Nhắc lại đôi điều về Lục bát chính thể :



Trong phần mở đầu của Thơ Lục bát (ở phần I) ta đã biết là Lục bát chính thể luôn luôn tuân thủ luật “Tứ Trắc Lục Bằng” trong câu 8. (Câu 6 được tự do, linh động hơn, có thể không theo luật này)

Vài thí dụ :


Mai sau dù CÓ bao giờ

Đốt lò hương CŨ, so tơ phím này

Trông ra ngọn CỎ lá cây

Thấy hiu hiu GIÓ thì hay chị về

Hồn còn nặng MỘT lời thề

Nát thân bồ LIỄU đền nghì trúc mai

............................(Nguyễn Du-Kiều).......


Nước non nặng MỘT lời thề

Nước đi đi MÃI không về cùng non

Nhớ lời nguyện NƯỚC thề non

Nước đi chưa LẠI, non còn đứng không

Non cao những NGÓNG cùng trông

Suối khô dòng LỆ chờ mong tháng ngày

.......................(Tản Đà NKH-Thề non nước)......


Tâu rằng :-“Cha QUÁT ngày xưa,

Trước khi lâm TỬ dặn dò đinh ninh

Chớ nên cho QUÁT cầm binh

E rằng hại NƯỚC, thân mình cũng vong

Trước làm bại HOẠI gia phong

Sau làm xương TRẮNG máu hồng tuôn rơi

Việc quân há PHẢI việc chơi

Xin vua xét LẠI, chớ vời trẻ ranh”

.........(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư).....


Vài thí dụ về sự linh động trong câu 6 : Chữ thứ tư có thể là thanh bằng, đặc biệt khi sử dụng thủ pháp Ngắt mạch kèm theo Tiểu đối hoặc Tiểu đồng dạng


Nước trong xanh, TRỜI trong xanh

Êm êm tiếng hát , bập bềnh thuyền con


Yêu nhau đi, YÊU nhau đi

Ngày mai hai đứa biệt ly ngàn đời


Khi tựa gối, KHI cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày


Tuy vậy hình thức này không thông dụng, chỉ nên lâu lâu điểm xuyết mà thôi. Nếu lạm dụng, sẽ đánh mất sự hài hoà, thanh thoát của bài lục bát.

2-Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”


Thay vì “Tứ Trắc Lục Bằng” như truyền thống lâu đời của Thơ lục bát chính thể, nếu bây giờ ta đảo ngược luật đó thành “Tứ Bằng Lục Trắc”, thì ta sẽ có được một thể Lục bát mới, đó là Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”.

Chữ cuối câu 6 sẽ phải ăn vần với chữ thứ 4 của câu 8

Lục bát biến thể loại này cũng ít khi thấy toàn bài, mà chỉ thấy thỉnh thoảng đan xen trong Lục bát chính thể mà thôi


Vài thí dụ về Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”:


Mẹ già ở với nàng DÂU

Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy cha

Mười phần thương mẹ ở nhà

Chín phần thương vợ còn là thơ ngây

....(Khuyết Danh-Thoại Khanh Châu Tuấn)......


Thoắt thôi vợ nói cùng CHỒNG

Đặng bốn mươi ĐỒNG gặp buổi đúc chuông

..........................

Âu là một thái tử ĐÂY

Ban cho nhà NÀY chẳng tiếc làm chi

............(Khuyết Danh-Phạm Công Cúc Hoa)


Em ta bé bỏng thơ ngây

Ngày xưa hay đứng nhìn mây trông trời

Môi hồng má đỏ thắm TƯƠI

Ít nói ít CƯỜI, hay mộng hay mơ

Ông tơ làm rối mối tơ

Một lần lỡ bước bơ vơ xứ người

........................(HSN-Ngàn dâu)......


Bảy năm giao kết Đào viên

Trong nhà chăm chỉ, ngoài thềm siêng năng

Thạch Sanh hay lũ hay LAM

Ít ngủ hay LÀM, dậy sớm thức khuya

Lý gia hưng thịnh mọi bề

Tiền muôn bạc ức đề huề hơn xưa

........(HSN-Thạch Sanh Lý Thông tân biên).....


III-LỤC BÁT THÊM VÀO

(Lục bát MORE)



Lục bát thêm vào (còn được gọi đùa vắn tắt là Lục bát More; chữ More nghĩa là thêm vào...) là một thể loại “thật tưởng như đùa, đùa y như thật”, xuất phát từ Lục bát chính thể, hình thành bằng cách “thêm vào” mỗi câu một, hai, ba chữ nữa. Thể loại này thường thấy trong ca dao hơn cả .


Thí dụ 1: Thử so sánh hai câu sau đây


+Lục bát chính thể :


Yêu nhau MẤY núi cũng trèo

MẤY sông cũng lội, MẤY đèo cũng qua


+Lục bát biến thể “thêm vào” : Thơ 6/8 thành thơ 7/10 !


Yêu nhau TAM TỨ núi cũng trèo

NGŨ LỤC sông cũng lội, THẤT BÁT đèo cũng qua


Hoặc :


Yêu nhau BA BỐN núi cũng trèo

NĂM SÁU sông cũng lội, BẢY TÁM đèo cũng qua


Thí dụ 2 :


+Lục bát chính thể :


Em nhỏ thó, có duyên NGẦM

Khiến anh thương trộm nhớ THẦM bấy nay


+Lục bát biến thể “Tứ bằng lục trắc”


Em nhỏ thó, có duyên NGẦM

Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay


+Lục bát More “Tứ bằng lục trắc” :


(Thấy) em nhỏ thó (lại) có duyên NGẦM

Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay


+Lục bát More ngắt câu :


Thấy em nhỏ thó,

Lại có duyên NGẦM

Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay


Thí dụ 3 :


+Lục bát chính thể :


Bước ngang nhà má tôi QUỲ

Vì thương con má sá GÌ thân tôi


+Lục bát More :


Bước ngang nhà má, tay tôi xá, cẳng tôi QUỲ

Vì thương con má sá GÌ thân tôi


+Lục bát More biến thể ngắt câu :


Bước ngang nhà má

Tay tôi xá

Cẳng tôi QUỲ

Vì thương con má sá GÌ thân tôi


Rõ ràng là nhờ “thêm mắm dặm muối” mà Lục bát thêm vào nghe đã tai, hay hơn hẳn Lục bát chính thống vậy




IV-LỤC BÁT BIẾN THỂ ÂM VẬN

(Lục bát Bút Tre)


1-Nhắc lại về luật Phù Trầm :



+Trong câu 8, nếu chữ thứ 6 là Phù bình thanh (không dấu), thì chữ thứ 8 phải là Trầm bình thanh (dấu huyền)

Thí dụ :


Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà ĐAU đớn LÒNG


+Ngược lại nếu chữ thứ 6 là Trầm bình thanh (dấu huyền), thì chữ thứ 8 bắt buộc phải là Phù bình thanh (không dấu)

Thí dụ


Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu HỜN kém XANH

2-Lục bát biến thể âm vận


Còn được gọi ngắn gọn là Lục bát Bút Tre, do nhà thơ Bút Tre đi tiên phong. Thể loại này có được bằng hình thức “phá cách” về âm vận, trong khi vẫn tuân thủ chặt chẽ luật “Phù Trầm”.

Cụ thể là :

-Vẫn tuân thủ chặt chẽ luật phù trầm

-Các âm trắc có thể linh động thay thế bằng âm bằng tiệm cận với nó


Hiệu quả : Đạt được tính trào phúng, khôi hài cao độ nếu sử dụng một cách tinh tế, thâm thuý, hài hoà.

Thí dụ : Trích từ thơ dân gian-Tác giả Khuyết danh


Đứng xa cứ tưởng ta già

Lại gần mới biết vẫn là ... trẻ ... khô

Mắt HI, môi sứt, mặt RÔ (hí / rỗ)

Cô ơi tui chỉ hơn cô mấy TUỒI (tuổi)


Thuyền đi ngược, nước chảy xuôi

Trăm năm nhớ mãi cái BUÔI ban đầu (buổi)


Chồng bà mới chết hôm qua

Vừa NĂN, vừa khóc, vừa XÒA, vừa rên (nắn / xoa)


Ý câu này bề ngoài là “vừa lăn, vừa khóc, vừa xõa tóc, vừa rên la” vì ... thương chồng, nhưng lại bao hàm một ý ngầm “nắn / xoa” vừa tinh tế, vừa thâm thúy, cười người phụ nữ bị mất ... một món ... đồ chơi !!!


V-LỤC BÁT TRẮC VẬN


Từ lâu, thơ Lục bát hầu như tất cả đều là vần bằng.

Tuy vậy, vẫn có thể tìm thấy những thí dụ về Lục bát trắc vận trong kho tàng ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao phương Nam. Mới nghe qua thấy có vẻ kỳ quặc, nhưng quả thật là có thứ Lục bát vần Trắc thật :


*Thí dụ 1 : Ca dao


Tò vò mà nuôi con NHỆN

Ngày sau nó lớn nó QUẾN nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào ?


*Thí dụ 2: Thơ dân gian

+Lục bát Trắc vận :


Môi xẻ, mũi lân, mắt LỘ

Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em


+Lục bát More Trắc vận :


Môi thò lõ, lỗ mũi lân, con mắt LỘ

Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em


+Lục bát More, Ngắt câu, Trắc vận :


Môi thò lõ

Lỗ mũi lân

Con mắt LỘ

Khắp xứ này, không ai NGỘ bằng em


*Thí dụ 3 : Thơ dân gian

+Lục bát chính thể :


Mũi xúc xích, miệng chèm BÈM

Làng trên xóm dưới ai THÈM cưới cô !


+Lục bát Trắc vận :


Miệng chèm bèm, mũi xúc XÍCH

Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô !!!


*Tóm lại : Lục bát trắc vận tuy chỉ là ... của hiếm, và thường dùng để đùa bỡn thôi, nhưng dù sao vẫn tồn tại thể loại này trong thi ca, đặc biệt là thi ca truyền khẩu Nam bộ.


*Ý kiến khác : Có người cho rằng không có cái gọi là “Lục bát trắc vận”, mà những trường hợp thí dụ nêu trên chỉ là một biến thái thêm bớt chữ của thể “Song thất” mà thôi.

Thí dụ :


Miệng chèm bèm, mũi (như) xúc XÍCH

Có thằng khùng (nó) rục RỊCH cưới cô !


Nghĩ như vậy cũng có thể là đúng. HSN chỉ nêu ra, và không dám có ý kiến riêng.


(Còn tiếp)


HSN



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả