1

Vừa qua vụ em học sinh quay video clip việc giám thị ném phao thi và học sinh trong phòng thi quay cóp, hỏi han nhau, giám thị ngồi cuối lớp làm ngơ ...tại truờng PTTH Đồi Ngô , Tỉnh Bắc Giang.

Trước đó nhiều năm thày giáo Đỗ Việt Khoa đã nhiều lần tố cáo gian lận trong thi cử và những hành vi tiêu cực khác trong ngành giáo dục , nhưng đâu lại vào đó, cục đó nhỏ ném xuống mặt nước chỉ khuấy động chút rồi lại phẳng như tờ!

 

Có người bảo em vi phạm quy chế luật khi mang thiết bị quay vào phòng thi, và không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực.

Đúng là cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo. Hồi trước chúng ta vẫn bảo rằng phải dùng bạo lực cách mạng để làm cho bạo lực của đế quốc không còn nữa.

vậy thì tại sao ngày nay chúng ta không chấp nhận dùng biện pháp tiêu cực là để cho tiêu cực không còn?

Phải thành thật mà nói, ngay từ sau 1975 đến nay, truờng hợp gian lận thi cử tốt nghiệp PTTH và thi đại học là có thật 100%, với đủ loại mánh khoé gian dối, bản thân kẻ viết bài này đã từng thi hộ, đã từng ngồi ở ngoài chờ đề thi bên trong mang ra, giải xong cho người đem vào. Còn việc gởi gấm , cho thêm điểm lúc chấm bài, sửa kết quả ,....chắc chắn là có không chỉ ở một vài tỉnh thành mà ở toàn quốc.

Còn thi cử ở các lớp đại học tại chức thì quá là ....buồn cười, phòng thi như cái chợ, ai muốn làm gì thì làm, phao đề bài giải được copy làm nhiều bản, khỏi phải lo giành giật ...

Nhiệm vụ của giáo dục là dạy dỗ học sinh có kiến thức và trở thành người tốt. Nhưng than ôi , chính bản thân nó không tốt thì làm sao kẻ đi học tốt được, cây chua làm sao trổ quả ngọt, máng dẫn nước dơ dáy là sao có nước sạch !

Đó là tôi chưa nói tới sau 1975, cả một thế hệ trẻ tài năng thực sự có học vấn tốt, có đạo đức tốt đã bị loại vì lý do lý lịch.

Giờ tôi xin kể chuyện thi cử trước 1975 mà tôi biết. Biết tới đâu nói tới đó, không thêm không bớt. Vì đến giờ tôi vẫn chưa thấy ai cùng thời với tôi trong phòng thi hôm đó lên tiếng mà nếu tôi không kể lại sẽ chẳng bao giờ ai biết.

Cuộc đời tôi không hiểu sao có những ngày tháng hay con số mà tôi nhớ chính xác dù sau 3- 40 chục năm. Thí dụ ba tôi có chiếc xe hơi hiệu vespa 400, năm 1963 lúc tôi mới 6 tuổi, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ số xe là EB-0365,hay nhớ số nhà 3/16 mà tôi ở Sài gòn khu ngã ba Ông Tạ đuờng Thánh Mẫu Chí Hoà, hayhay số điện thoại năm 1972 của ba tôi khi làm ở căn cứ Long Bình là 926-2283, thậm chí đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ thuộc làu số căn cước chế độ VNCH, ngày cấp ....rồi nhớ cả số chứngminh nhân dân của CHXHCNVN và ngày cấp năm 1978 mà từ khi qua Mỹ tôi đã phải trả lại khi bước lên máy bay

Những điều tôi viết gần như hoàn toàn đuợc "lấy ra" từ ký ức xa xưa, dường như nó nằm sẵn trong đầu chờ dịp tuôn ra. Tôi có thể nói cho con tôi về cách mạng Pháp, về hai cuộc thế chiến thứ I và thứ II, về cuộc nội chiến Hoa Kỳ ...hoàn toàn nằm trong đầu chứ không cần mở Gooogle, có thể giải toán vi tích phân lớp 12 hay vật lý mà tôi đã học cách nay hơn 40 năm...

 Còn từ khi tuổi hàng 4 trở lên, những điều học hỏi hay những kiến thức đọc đưọc như nước đổ đầu vịt, nay đọc mai quên, chả còn sót lại chút gì .

Các nhà khoa học đã cho biết sau năm 30 tuổi, bộ não con người ta giảm dần các tế bào và dĩ nhiên người ta cũng ...ngu hơn nhưng bù lại chỉ được cái là kinh nghiệm hơn, già dặn. Kinh nghiệm và thông minh là hai vấn đề khác nhau. Con chim đâu cần thông minh, nhưng đậu phải cành cong vài lần là nó biết phân biệt để đậu cành cứng, đó là kinh nghiệm cho nó biết.

Bây giờ tôi mới vào đề.

Ngày 2 tháng 8 năm 1972, chúng tôi bước vào kỳ thi tú tài 1 sau khi học xong chương trình lớp 11. Thi cử đối với chúng tôi lúc đó cực kỳ quan trọng chứ không như bây giờ. Vì nếu đậu thì một sẽ được học tiếp do đủ tuổi để đuợc tạm hoãn quân dịch, hai nếu không đủ tuổi phải vào lính thì đuợc đi học khoá sỹ quan, còn nếu rớt thì phải đi lính quèn hạ sĩ quan. Do đó ngay trong một lớp, mà sau đó có thằng làm chỉ huy còn có thằng làm lính dưới quyền. Trong quân đội chỉ huy và lính khác nhau xa lắm, một trời một vực, lính thì chỉ biết thi hành trước khiếu nại sau, có khi chỉ một các khoát tay hô xung phong của chỉ huy thì chỉ ít phút sau đã có hàng trăm lính bỏ mạng.

Hồi đó chắc chắn cũng có người chạy chọt cho con mình đậu tú tài, rồi nếu phải vào lính thì cũng chạy chọt quen biết, chạy bằng tiền.... để khỏi phải ra tác chiến..., làm sao tránh khỏi, ở đâu chả có tình trạng tham nhũng, bất công, cá lớn nuốt cá bé, ...người lớn.... đè người nh ... hehe !

 Chúng tôi học ở Long Khánh, không có hội đồng thi, tất cả thí sinh phải vào Biên Hoà cách 50 cây số để thi, may thay, ba tôi đã làm xong căn nhà cách truờng Ngô Quyền lớn nhất đông Nam bộ và cũng là trung tâm hội đồng thi tú tài 1 năm 1972.

 Căn nhà mới xây xong chưa có ai ở, gia đình tôi vẫn còn ở Long Khánh vì thế bạn bè trai gái kéo đến trọ để đi thi đông đến mấy chục đứa. Vui và náo nhiệt kinh khủng, tốp lo cơm nước, tốp lo dọn dẹp, tốp con trai chúng tôi thì ...đàn ca hát xướng....đêm xuống chỉ còn vài ngày là thi mà đa số vẫn còn ôn bài, có đứa còn chép nhỏ ra giấy mà bây giờ gọi là phao để nhét vào đâu đó trong quần áo.

Tôi thì chả học vào giờ đó, vừa ăn xong làm sao tiêu hoá đuợc, đó là quá trình tích tụ lâu dài.

Khuya mấy bạn học gái đang miệt mài ôn bài , thì tôi và thằng Hải lẻn qua vườn nhà hàng xóm hái trộm quả đu đủ. Hên sao quả đu đủ vừa chín, bào mỏng ra cho mỗi đứa được vài một miếng, ban đêm nhai đỡ buồn ngủ và vui làm sao. Tuổi học trò mà, đứng thứ ba sau qủy và ma!

Nhưng xui sao, sáng hôm sau cả bọn thức giấc dậy chuẩn bị đi thi, thì nghe tiếng bà hàng xóm o­ng óng: " Ông đại úy ơi, hôm qua mấy đứa nhà ông nó hái trộm cây nhà tui nè" . Thiệt là không ngờ, xấu hổ thay việc trộm vặt. Ba tôi tức tốc qua nhà đền cho bà số tiền bằng 3 lần trái đu đủ ngoài chợ. Bà tắt đài ngay.

Từ nhà, chúng tôi đi bộ ra trường Ngô Quyền tức Hội đồng thi tỉnh Biên Hoà. Ngày đầu tiên thi môn Việt văn. Tất cả các đề thi các môn đều ra theo kiểu từ dễ tới khó, nghiã là nếu bạn có sức học trung bình bạn sẽ được điểm trung bình, chỉ khi bạn xuất sắc lắm mới làm hết bài.

Tôi lúc đó chưa tới 16 tuổi, nào có biết cái gì ở đời.Tôi lúc đó nào biết chỉ cần có 2 người thôi là đã có chính trị rồi. Mà chính trị là gì? Là chiến tranh không có tiếng súng, là đánh nhau, giành giật nhau mà không đổ máu. Ở đó tất cả những thủ đoạn, tiểu xảo, gian trá, lừa bịp được tung ra. Chính trị là lãnh vực bao trùm lên tất cả mọi lãnh vực khác, chỉ khi bạn ở hoang đảo một mình mới không có chính trị.

Chúng tôi lúc đó hầu như không để ý gì tới cuộc chiến đang diễn ra hết sức khốc liệt ở đỉnh điểm của chiến tranh năm 1972, hai bên đã đụng nhau ở cấp quân đoàn, ở Quảng Trị chỉ sau 3 ngày đầu đã có khoảng 7 .000 lính miền Nam tử trận! Sư đoàn 3 bộ binh có trung đoàn 56 do trung tá Đính chỉ huy với hơn 1.500 lính và hơn 20 khẩu súng đại bác đầu hàng quân miền Bắc, và sau đó coi như sư đoàn tan hàng..... Rồi đại lộ Kinh Hoàng với những xác người la liệt chất đống kéo dài 10 cây số, rồi An Lộc tử thủ 3 tháng, quân cố thủ hết gạo hết đạn phải đi mót đồ ăn thiu thối, chờ quân tiếp viện, ở Kontum, sau thất thủ Tân Cảnh là vị trí tiền đồn, sư đoàn 22 Bộ binh cũng tan hàng, quân miền Bắc nếu chụp lấy cơ hội đó cóthể chiếm Kontumdễ dàng do lúc đó chưa có quân tiếp viện đến kịp....Nói chung tình hình lúc đó chỉ có thể diễn tả qua bốn chữ Muà Hè Đỏ Lửa!! Nhưng mà ở Biên Hoà hoàn toàn im lắng, không có một tí gì là chiến tranh, mọi sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra bình thường

Tôi vần H nên trong phòng thi của tôi cũng toàn vần H. Chung quanh trường thi có rất nhiều cảnh sát và quân cảnh canh gác. Trong giờ thi không đuợc ai ra vào trường bất cứ lý do gì. Nhưng buổi thi đầu tiên diễn ra chừng 10 phút, bỗng tôi thấy một quân nhân đeo lon trung úy lảng vảng qua lại phòng tôi. Rồi một thí sinh, ăn mặc rất mới tươm tất dáng con nhà giàu, tướng cao ráo, trắng trẻo , đẹp trai ....hơn tôi xa bình thản đứng dậy buớc tới của sổ và đưa đề cho viên trung úy. Lúc đó trong phòng viên một giám thị ngồi bàn hút thuốc (lúc đó chưacấm hút thuốc), còn một người không có phản ứng. Giám thị hành lang lúc đó không thấy đi qua lại.

Chừng nửa tiếng sau, viên trung úy trở lại, chàng thí sinh đó đứng lên ra cửa nhận bài giải và vào chép thoải mái. Nửa tiếng sau nữa, viên trung úy trở lại lần nữa, đưa tiếp phần giải còn lại.

Đề thi không khó lắm, có 5 câu hỏi về văn học và 2 bài luậnchọn 1. Nếu có học ít ra làm lấy điểm trung bình dễ dàng.

Hồi đó thi tú tài 1 và tú tài 2 tất cả là 7 môn, tùy theo bạn chọn ban nào sẽ có hệ số tương ứng cho môn đó. Thí dụ như tôi chọn ban B là ban toán, thì toán sẽ có hệ số 5, cao nhất, nghiã là khi bạn đuợc 14 điểm thì sẽ thành 14X5=70, còn môn Vạn vật chỉ hệ số 1, nếu bạn được 5 điễm thì điểm nhân với hệ số 1 cũng là 5. Tương tự lý hoá ( thi chung) hệ số 4, sinh ngữ chính hệ số 2, sinh ngữ phụ hệ số 1

Kết quả là lấy số điểm nhân với hệ số để tính hạng thấp cao từ thứ, rồi bình thứ, rồi bình , rồi ưu và cuối cùng là tối ưu. Thường cả nước một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay mấy người đậu tối ưu và được nhà nước cấp học bổng toàn phần đi du học.

6 môn còn lại cũng diễn ra y chang, nghiã là anh học sinh trong phòng tôi hoàn toàn có người làm bài giải đưa vào, có khác chăng là mấy ngày sau, viên trung úy mặc thường phục chứ không mặc quân phục.

Thường làm xong bài thì có quyền ra sớm trước 15 phút. Lần nào tôi ra cũng thấy anh chàng có người giải hộ leo lên xe díp và một nữ sinh nữa mà tôi đoán là em hay chị của anh ta. Xe díp có tài xế chờ trước cổng và trên xe có cả một quân cảnh.Tôi đoán lờ mờ đây chắc chắn phải là con ông lớn lắm. Ba tôi cũng đón tôi và các bạn bằng xe díp, vui lắm, chiếc xe díp lùn mà chở tới 15 đứa, ngồi như nêm củi !

Thế rồi mọi việctrôi qua, tôi đậu tú tài 1 đủ điểm để từ học trường bán công tỉnh Long Khánh chuyển sang trường công lập Ngô Quyền tỉnh Biên Hoà, trường mà hiện nay có nhiều người thành tài cấp quốc gia, như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, kiến trúc sư Nguyễn văn Tất giải khôi nguyên kiến trúc ở Ý, nhiều năm làm giáo sư đại học Kiến trúc Tp HCM, như Trương chí Hiền bạn ngồi kế vai tôi hiện nhiều năm là trưởng phòng đào tạo đại học Bách Khoa Tp HCM (nghe đâu đã lên chức Hiệu phó ĐH BK Tp HCM) hay ngay cả vị chủ tịch UBND Tp HCM hiện nay cũng là dân học sinh Ngô Quyền ......

Năm sau sau khi xong lớp 12, lại là kỳ thi tú tài 2, lần này Hội đồng thi không ở trường Ngô Quyền nữa mà chuyển qua trường Nguyễn Du.

Kỳ thi tú tài 2 này quan trọng hơn tú tài 1 nhiều lần, vì khoá tôi là khoá chót còn thi tú tài 1, sau đó bỏ kỳ thi, chỉ cần học trong lớp đủ điểm trung bình là được lên lớp 12. Và quan trọng hơn là sau kỳ thi tú tài 2 này là kỳ thi đại học, nếu không đậu tú tài 2 thì không có một truờng đại học hay cao đẳng nào nhận, chỉ có nước đi lính mà thôi.

Ngày 27 tháng7 năm 1973 là ngày bắt đầu thi tú tài 2. Mở đầu buổi sáng thi môn triết. Ngay buổi sáng lúc vào cổng trường tôi lại gặp anh chàng đẹp trai cao ráo trắng trẻothi cùng phòng năm ngoái, anh đi thi vẫn bằng xe díp và cả người chị nữa. (Sau tôi mới biết là chị... cũng rất xinh gái dễ thương....).

Anh cũng thi cùng phòng với tôi. Kỳ này tôi ngồi sau anh 2 bàn. Buổi sáng cũng y như năm trước, cũng anh trung úy vào lấy đề rồi lát sau đem bài giải vào, có tiếng xì xầm của vài thí sinh, nhưng thí sinh chỉ có cái quyền làm bài thi chứ nào có quyền gì khác. Còn giám thị chỉ là con bù nhìn đuổi mấy con chim nhát viá mà thôi.

Buổi chiều thi môn toán, chúng tôi học ban B tức toán là chính hệ số 5, môn này là quan trọng nhất gần như là môn quyết định đậu rớt.

Đề thi là đề thi chung toàn quốc, chỉ có một đề xuất phát từ bộ giáo dục, được niêm phong bằng xi mỗi bì thư rất lớn, đề thi được chở tới Sở giáo dục trước ít giờ thi, các tỉnh xa chuyên chở kể cả vào ban đêm,và có lính gác nghiêm chỉnh, sau đó mới đem tới các hội đồng thi, đảm bảo bí mật tuyệt đối, hầu như không nghe có vụ nào rỏ rỉ đề thi cả.

Bài toán khá khó, tôi làm chỉ đuợc 2/3 mà thôi, còn lại 2 câu sau bài toán lạ hoắc, có cho ngồi 3 tháng, cắn cả chục cây bút cũng không giải đuợc.

Anh chàng đó sau khi được người đem bài giải toán vào phòng đang hí hoáy thản nhiên chép, bỗng tôi nghe xôn xao nhốn nháo cả phòng thi, một vị tầm thuớc, mặc áo có thắt cravat bước vào phòng, nhanh chóng đưa tay chộp lấy bài của thí sinh đang chép đó, rồi kêu 2 giám thị lại, ông nói vừa đủ nghe - lập biên bản vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử và cấm thi ngay lập tức.

 Một lát sau thí sinh này bị mời ra khỏi phòng.

Không còn gì đau xót bất nhẫn cho bằng, một người học ngày học đêm, mòn cả người, teo cả ....chi., còn rớt lên rớt xuống, trong khi có đứa chả cần học vẫn đậu mà chắc là đậu cao nữa vì người giải đề chắc chắn phải giỏi rồi . Ôi sao đời bất công trắng trợn lộ liễu thế nhỉ, nhưng thấp cổ bé miệng, dân ngu cu đen sì, làm sao bây giờ? Một hội đồng thi cấp quốc gia, được lính canh gác cẩn mật, vậy người thản nhiên ra vô lấy đề và đem bài giải là ai? Không nói ai cũng hiểu đó phải là tổ chức của ...xếp rất bự.

Nhưng dù sao thì cuối cùng sự công bằng cũng đã trả lại phần nào ấm ức cho các thí sinh phòng tôi ngày ấy.Sau kỳ thi, báo chí đang tin đích danh ở hội đồng thi tỉnh Biên Hoà có thí sinh Lâm Quang H bị cấm thi 3 năm do gian lận thi cử và sau đó tôi đuợc biết người bắt quả tang gian lận là ông Trưởng ban chống gian lận thi cử trung ương (tức ở Sài Gòn), ông được cử về HĐ thi Biên Hoà ngày hôm ấy.

Tôi và nhiều người đã nghĩ, quả thật, ông đã xâm mình khi dám đụng một thế lực nào đó rất mạnh mà chỉ có thểvà chỉ có Ông ở Trung ương mới đủ lực và dám đương đầu. Giữa bầu trời đêm tối mịt mùng, nhưng vẫn còn chút ánh sáng công lý và vẫn có người can đảm đem lại công bằng cho xã hội!

Năm sau 1974, không còn thi viết nữa mà thay vào đó là toàn bộ thi trắc nghiệm , khoanh abcde, tức một câu hỏi có 5 câu chọn lựa và bài thi được chấm bằng máy IBM. Sau kỳ thi ít ngày, đọc báo tôi thấy có mấy dòng ngắn, mà cái tên nghe quen, hồi đó 95% là báo tư nhân xuất bản, tôi nhớ không lầm mẫu tin tôi đọc là báo Tia Sáng, mẫu tin nói thí sinh Lâm Quang H bị phát hiện gian dối thi cử, bị cấm thi 3 năm mà vẫn nộp đơn thi tại hội đồng Sài Gòn (tôi nhớ không lầm là hội đồng trường Minh Khang), kết quả lần này bị cấm thi thêm 3 năm nữa là 6 năm!

Bài gõ này tôi viết dài mà khoẻ re, vì ngón tay nó cứ ...nện xuống, có sẵn trong đầu, nhiều khi gõ chậm hơn ý nghĩ nữa, bạn thấy mỏi mắt chưa.

Xin bạn đọc dòng chót, thí sinh bị cấm thi 2 lần, do gian dối thi cử tên Lâm Quang H. nói trên là con trai của vị đại tá tỉnh trưởng Biên Hoà hồi đó,  đại tá Lâm Quang C.

Hồi đó và cả bây giờ , tỉnh trưởng là vua một vùng, trong vùng của ông ta, Ông ta làm gì mà chẳng được, tuy nhiên, nếu so sánh, thì hồi trước đỡ hơn một chút, vì con một tỉnh trưởng mà "bị" đối xử sòng phẳng với bản án 6 năm cấm thi!

Còn bây giờ tôi chưa nghe con một chủ tịch cỡ huyện thôi bị xử lý như vậy, còn con Ông lớn hơn thì cho du học ở Anh, Pháp , Mỹ hay học trong nước thì vài năm sau là có nhiều mảnh bằng Củ Nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ một cách dễ dàngcho dù các cậu ấm đó ăn chơi du hí nhiều hơn là học.

ĐNH


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả