Những Con Mắt Trần Gian ( nhìn từ phương đông) 1

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

Lời nói đầu:

Từ trước tới nay, tôi vẫn tự nhận là học trò của cụ Nguyễn Hiến Lê ( 1912-1984 ) mặc dù chưa được may mắn học cụ lấy một giờ mà chỉ qua sách của cụ. Ở đây, noi gương cụ, tôi viết bài phiếm luận nầy trong tinh thần tập viết để tự học - trong sách cụ Nguyễn vẫn tâm niệm vậy - cho nên những gì đúng trong bài, đều nhờ sách, nhờ tham khảo và trích lục ; còn những gì sai hay chưa vừa ý bạn đọc, là lỗi tại tôi, tôi xin chịu trách nhiệm. Mong bạn đọc xa gần niệm tình thể tất. Xin cám ơn trước. ( HLN )


Trời sanh con mắt là gương,
Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều.
( Ca Dao )

Không những là giác quan tế nhị vào bậc nhất - trong năm giác quan - của con người để xét đoán ngoại vật, phản ánh nội tâm cũng như là mạch giao cảm sâu sắc giữa con người và con người, đôi mắt còn là một bầu vũ trụ, tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng mông lung ảo diệu đến nỗi con người cổ kim từ vua quan, khanh tướng cho đến người thường dân chân đất, đặc biệt giới mày râu, một lần " yêu em tình qua ánh mắt, gặp mĩm cười nói chẳng nên câu " ( Hoàng Hội Tao Nhân ), thì trước hết phải " chết ở trong lòng một ít " ( Xuân Diệu ), kế đến thành không đổ nước không nghiêng ; nhà không tan, thân không nát thì hồn cũng bơi, cũng chìm đắm hay " mất dần trong cặp mắt lưu ly " như trường hợp anh chàng Đinh Hùng đã tự thú một cách bác học trong bài Kỳ Nữ ; cũng như trong ca dao ta có câu:

Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần gì nó ám cũng mê mẩn người.

Và bằng vào những đường nét riêng, đôi mắt còn có thể thay thế ngôn ngữ - vốn dĩ giới hạn - để tả, để diễn đạt một cách ý nhị và súc tích những khúc mắc khó nói bằng lời.

Cho nên muốn diễn tả cái đẹp hay cái ít đẹp của đôi mắt, người ta cần dùng tâm tư nhiều hơn ngôn ngữ. Ấy vì, nói đến cái đẹp, cái xấu là phải nói đến mỹ cảm, mà mỹ cảm là một cái gì khó định giải, xác quyết nhất. Tuy nhiên, một cách nôm na ta có thể hiểu mỹ cảm là sự ưa thích của cảm giác con người qua lăng kính thời gian, môi trường xã hội cùng sự diễn biến tâm tư theo từng trạng thái cá nhân khi hoà nhập vào mọi vật tức đưa ngoại hình vào tâm tư : Khả dĩ ý hội, bất khả dĩ ngôn từ :

· Trước đây 100 năm, người Việt mặc áo cổ kiềng, nhưng sau đó cho áo cổ kiềng là quê mùa, lạc hậu ; người mình thay đổi thành áo cổ bầu. Thế rồi đúng 100 năm sau, người Việt trở lại mặc áo cổ kiềng và cho là đẹp, là thời trang.

· Trước đây 30 năm trong đỉnh cao của thời kỳ bao cấp, ganh nhau từng đoạn chỉ, từng cái kim phụ nữ ta ăn mặc kín như bưng ; thế rồi 15 năm sau ngày gọi là mở cửa đổi mới, phụ nữ ta, có chút tư hữu, nhưng xem ra càng ngày càng thiếu vải, của trời cho cứ vô tư tênh hênh ngúng nguẩy giữa đời và cho đó là mốt, là văn minh.

· Cũng cách đây 30 năm, người viết bài nầy chỉ chịu đi tém mái tóc híp-pi quá vai khi túng quẩn : Gia đình phải thưởng 5 / 7 ngàn đồng ! Bây giờ ( 2005 ), tóc mới nhú nhú ót đã vội đi hớt ngay !

· Bạn và tôi cùng vào một phòng triển lãm tranh. Tôi chỉ một bức cho là đẹp, bạn lắc đầu chỉ một bức khác mà tôi không thích.

Xưa nay, trên phương diện thẩm mỹ ( tâm lý ), đôi mắt đã được con người chú tâm đến nhiều nhất. Chẳng thế mà khi đi tìm bạn trăm năm tương lai cho con cháu trong nhà, các bậc trưởng thượng nhà ta thường nói là đi " coi mắt " thay vì phải nói là đi coi mặt: Không những coi mắt mà họ còn coi cả mủi, cả mình mẩy, tứ chi, dáng đi, giọng nói. vậy mà hai tiếng " coi mắt " vẫn có giá trị bao trùm. Tưởng chỉ nhìn vào cặp mắt mà như thấy hết con người. Nghĩ mà thương mà tội cho chiếc mủi, cái miệng, cặp mày … những bộ phận nằm lồ lộ trên khuôn diện mà uy tín xem ra không mấy nhiều:

Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay

mà bà con.

Giá trị của đôi mắt không dừng lại ở cái đẹp như đôi mắt bồ câu, đôi mắt phượng, đôi mắt lá răm, làn thu thủy, khoé thu ba. Hay ở cái ít đẹp của đôi mắt ốc nhồi, mắt ti hí, mắt cú vọ, mắt rắn, mắt gà, mắt chuột … mà còn là cửa sổ của tâm hồn:

Nhật nguyệt năng chiếu vạn vật
Lưỡng mục năng tri vạn tình

( mặt trời mặt trăng soi tỏ vạn vật, đôi mắt có thể biết vạn tình )

biểu hiện sự sống nội tâm: vui, buồn, thương, ghét, hờn, giận, ham muốn…: Lúc ngủ thần đậu tại tâm, lúc thức thần nương tại mắt.

Người bình dân - và cả những người có cái vỏ không bình dân - dành nhiều mỹ cảm cho đôi mắt bồ câu. Mắt bồ câu là mắt tròn trỉnh, không có đôi khoé sắc sảo nhưng ẩn tàng nhiều tình cảm, và bắt buộc phải hai mí, vì:

Thước nhãn ba văn trùng thượng trường
Bình sinh tín thực hựu trung lương

nghĩa là mắt bồ câu trên mí mắt có văn trường ( hai mí ) là người tín thực trung lương. Mối mỹ của họ đã được gắn liền đôi mắt bồ câu qua các câu ca dao như:

Cầm vàng ném xuống vực sâu,
Mất vàng nỏ tiếc, tiếc đôi mắt bồ câu hữu tình

hay:

Thương ai con mắt bồ câu,
Miệng cười như thể hoa ngâu đương mùa.

Hoặc:

Mắt bồ câu ngó lâu muốn cảm.

Song song với mối mỹ cảm trên đây, người bình dân còn chịu cặp mắt lá răm là đẹp. Nét đẹp của cặp mắt nầy, theo họ, không nằm trên hình tượng đầu to, đầu nhỏ thuôn dài của chiếc lá răm, mà họ chú trọng đến hai khoé mắt nơi diễn biến tình cảm của con người - đàn bà - một cách độc đáo:

Mấy người con mắt lá răm,
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Có điều khoé mắt nầy mà nổi gân xanh ( cung hiên môn ) thì lại dễ thay đổi nhân duyên, ngoại tình, thích dan díu tằng tịu kiểu ba chiều, bốn hướng như trong tiểu thuyết của Quỳnh Giao.

( CÒN TIẾP )

Những Con Mắt Trần Gian = Tên một bản nhạc của Trịnh Công Sơn.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả