Xứ Lào : Đất và Người 3

 

  

 

 

 

 

 

Hàn Lệ Nhân

Xứ Lào và thực dân Pháp

Việc Pháp đặt nền bảo hộ lên dân tộc Lào khởi nguồn từ năm 1887, sau khi Pháp, qua trung gian của một phó lãnh sự Pháp tại Luang Prabang tên Auguste Pavie, giúp vua Lào là Un Kham (mất năm 1895) dẹp được loạn Cờ Đen (gốc Tàu) trên đất Lào. Rồi nhân trước sự nhiễu nhương của Xiêm La trên đất Lào, Pháp trực tiếp can thiệp chớp nhoáng bằng võ lực, chiếm toàn vùng tả ngạn sông Mêkông từ Paksane đến Khône, Lao Bảo-Mương Phin, Vinh-Thakhek ; xong còn buộc Xiêm La ký hiệp ước 03/10/1893, nhường cho Pháp mọi quyền lợi trên toàn lãnh địa thuộc tả ngạn Mêkông, tiếp theo là 2 lãnh địa Bassac (Champassak) và Paklay ( thuộc U-bôn, Thái Lan ngày nay) bên hữu ngạn vào năm 1902 và 1904 với toàn thể dân Lào ở đó. Từ đó xứ Lào không còn là một thực thể chính trị, ngoài vương triều Luang Prabang khả dĩ còn được phép giữ bề ngoài một quốc gia ... được bảo hộ, các triều khác như Vientiane, Champassak đều bị giải thể, tập trung thành hai vùng: Trung và Hạ Lào, chia thành 10 tỉnh thuộc Liên Bang Đông Dương. Các ông Hoàng, bà Chúa Lào cũ nơi nầy vẫn còn được hưởng vài đặc ân, đặc quyền nhưng tựu trung toàn cõi xứ Lào từ nay là thuộc địa của Pháp, do Pháp tái lập hoà bình, giữ trật tự và áp đặt luật lệ trong nhiều thập kỷ.

Trên danh nghĩa Pháp bảo hộ nước Lào như Anh bảo hộ Em. Nhưng thực chất Pháp " khai hoá " nước Lào, ngoài vấn đề trục lợi, với quan niệm dân chủ của " người chăn chiên ( Pháp) và con chiên (Lào) ", hơn nữa lại chê dân được mình bảo hộ là chậm chạp, thờ ơ ( có lẽ do chưa hiểu bản chất " xừ xừ " - tỉnh bơ, thản nhiên - của họ) nên hầu như chỉ dùng người Việt trong hành chính cũng như trong thương trường. Trong số những người Lào được Pháp đào tạo có 3 anh em hoàng tộc cùng cha khác mẹ là Phetsarat, Souvanna Phouma và Souphanouvong. Hai ông sau đều đậu bằng kỹ sư tại Paris. Hai anh em kỹ sư nầy sẽ lưu danh thiên cổ trong việc tích cực đóng mỗi người một vai chính trong vở bi-hài-đại-thảm kịch Đông Dương nói chung, xứ Lào nói riêng, do ngoại bang (có cả Việt Nam) dựng tuồng, phân vai, hoá trang và đạo diễn.

Tháng 6 năm 1940, Đức Quốc Xã chiếm Paris. Lợi dụng tình cảnh tang gia bối rối nầy, Xiêm La - từ nay gọi là Thái Lan - gây hấn với Lào của Pháp, đến tháng 5 năm 1941, dưới áp lực của Phát-xít Nhật, chính phủ Vichy (Pháp) đã phải nhượng lại cho Thái 2 vùng Champassak và Paklay (của Lào) mà họ đã đoạt từ tay Thái năm 1902-1904. Và để TRỪ sự bất lực nầy, chính phủ Vichy qua trung gian của toàn quyền Decoux, BÙ cho vương triều Luang Prabang 3 tỉnh thượng-Mêkông, Xiêng Khoáng và Vientiane. Hoàng thân Phetsarat liền tự giải thể nền quân chủ tại Vientiane, trở thành thủ tướng. Đến ngày 8 tháng 4 năm 1945, Phát-xít Nhật đảo chính xong toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ép vua Sisavang Vong tuyên bố vương triều Luang Prabang độc lập. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Phetsarat tuyên bố Vientiane độc lập: 01/09/1945. Hai tuần sau ông kêu gọi Luang Prabang và 4 tỉnh miền nam Lào hãy thống nhất đất nước. Một chính phủ lâm thời quốc gia Lào ra đời ngày 02/10/1945: Pathet Lao. Chính phủ Pathet Lao tuyên bố hũy bỏ mọi ký ước giữa Lào và Pháp, do đó gây sự tranh chấp với vua Sisavang Vong. Trước đó đúng một tháng ( 02/09/1945), ở Hà Nội, Hồ Chí Minh đã tuyên bố Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam độc lập. Pathet Lao và CHDC Việt Nam đồng ký Hiệp Ước Hữu Nghị và Quốc Phòng chung. Souphanouvong, bấy giờ với quyền bộ trưởng quốc phòng, cổ xúy một Liên Minh Quân Sự với CHDC Việt Nam. Trong khi đó, Pháp tổ chức nhiều đơn vị du kích với sự đồng mưu của hoàng thân Boun Oum (1911-1980), vua lãnh địa Champassak, tái chiếm lần lần các tỉnh ven Mêkông như Savannakhet (10/03/46), Thakhek và Vientiane (24/04/46) rồi Luang Prabang (13/05/46), đẩy chính phủ Phetsarat lưu vong sang Bangkok, bắt giam vua Sisavang Vong.

Ngày 27/08/1946, Pháp thả vua Sisavang Vong, đồng thời ký một Thoả Hiệp Án tục gọi Modus Vivendi, chấp thuận cho Lào quyền nội trị trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Nước Lào lại được thống nhất dưới quyền vương triều Luang Prabang trong khi chờ đợi Hội Nghị 15/12/1946 và 11/05/1947 biểu quyết thành lập chính thể Quân Chủ Lập Hiến Đại nghị Lào.

Vì không thuyết phục được chính phủ lưu vong Phetsarat ở Bangkok liên minh với CHDC Việt Nam, tháng 9 năm 1947, hoàng thân Souphanouvong bèn theo Hồ Chí Minh chống Pháp với sự ủng hộ của dân thiểu số và một số nông dân thợ thuyền Lào bị Pháp bóc lột.

Danh hiệu Ông Hoàng Đỏ bắt đầu gắn liền với sự nghiệp của hoàng thân Souphanouvong từ đó.

Ngày 19/07/1949 thủ tướng Boun Oum (1911-1980) ký với Pháp một giao ước cho Lào thành một quốc gia độc lập, có quân đội và nền ngoại giao đặc thù, bù lại quốc gia Lào vẫn nằm trong Liên Hiệp Pháp. Trước kết quả xét khả quan nầy, chính phủ lưu vong Lào tại Bangkok bèn tự giải tán, một phần lớn thành viên trong chính phủ nầy theo hoàng thân Souvanna Phouma về Vientiane, nhập vào chính phủ hoàng gia. Năm 1951, Souvanna Phouma thành thủ tướng Nội Các Liên Hiệp Lào. Hoàng thân Phetsarat ở lại Bangkok cho tới năm 1957 mới trở về Vientiane.

Phần ông Souphanouvong, năm 1950 thành lập Mặt Trận Thống Nhất Lào Tự Do ( Neo Lao Issara) ở miền Đông Bắc Lào, bản doanh đặt tại Sầm Nứa và tự tái lập chính phủ lưu vong Pathet Lao do ông làm chủ tịch, ông Phoumi Vongvichit làm thủ tướng và ông Kaysone Phomvihane làm bộ trưởng quốc phòng. Chính phủ ông chủ trương tranh đấu cho một nước Lào hoàn toàn độc lập với một nội các liên hiệp, chống lại chính phủ của ông anh là Souvanna Phouma mà theo ông là bù nhìn hết thời thực dân Pháp, qua thời đế quốc Mỹ, mở màn cho vở bi-hài-kịch kéo dài 25 năm. Đến năm 1953 Neo Lao Issara đã kiểm soát được toàn vùng Sầm Nứa, Xiêng Khoáng, Phong Saly, bắc Luang Prabang và một phần lớn cao nguyên Boloven ở phía Nam.

Trận Điện Biên Phủ chấm dứt họa thực dân, Hiệp Định Genève năm 1954 chia đôi đất nước Việt Nam: 20/07/1954. Liên Sô, Trung Công và CHDC Việt Nam tuyên bố công nhận nước Lào độc lập với một nội các hoàng gia với điều kiện Lào chịu đứng trung lập trên mặt quân sự và phối hợp chính trị đối ngoại và đối nội với Pathet Lao của Souphanouvong. Thoả thuận được ký ngày 21/07/1954. Thực chất của cuộc thoả thuận nầy chỉ là một thứ hoản binh, manh mún chuẩn bị những trò hiểm độc hơn của đôi bên, từ nay sẽ là Phe Hữu và Phe tả. Trong phe hữu lại chia ra hai: Hữu bảo thủ, đại diện bởi hai ông Phoui Sananikone và Katay Sasorith, được Mỹ bao che nên mạnh nhất, phủ nhận sự trung lập quân sự của Lào và muốn ôm trọn quyền hành. Hữu ôn hoà có ông Souvanna Phouma. Tả Pathet cũng có hai ba thứ ( thân Việt Cộng, thân Liên Xô, thân Trung Cộng ...) song vì quyền lợi chung, năm 1956, chịu tụ lại dưới danh xưng Neo Lao Haksat ( Mặt Trận LàoYêu Nước). Cuộc cù cưa kéo dài đến tháng 7 năm 1958 thì phe hữu bảo thủ buộc Souvanna Phouma từ chức, hai ông Phoui Sananikone và Phoumi Nosavan lên nắm quyền, chấm dứt ngay chính thể trung lập cũng như dẹp tức khắc sự liên hiệp chính trị với phe Neo Lao Haksat (Dân Tộc Lào Yêu Nước) bắt tay với Sàigòn và Washington. Neo Lao Haksat rút về bản doanh ở Đông Bắc nuớc Lào. Cuộc tương tàn bộc phát từ đó.

Còn tiếp
kỳ tới: Xứ Lào và Chủ Nghĩa Xã Hội

Tiểu sử ba anh em hoàng tộc:

1/ Hoàng thân Rattanavongsa Phetsarath (1890-1959):

Sinh ngày 19/01/1890 tại LuangPrabang, cha mẹ là Chao BounKhôông và Chao Thongdy. Trước học trường thuộc địa, sau học trung học Louis Le Grand (Paris). 1905-1913, lưu học tại Oxford, Anh quốc. Trở về Lào làm tùy viên phủ toàn quyền Pháp (1913-1931), sau làm thanh tra chính trị và hành chánh toàn Đông Dương ( 1931-1941). Là nhân vật thứ 5 trong hoàng tộc, tước Maha Ouparat hay phó vương từ 1931. Thủ lĩnh phong trào độc lập Lao Issara từ 1946 đến 1949. Khi chính phủ Lao Issara bị giải thể, hoàng thân (HT) Phetsarath ở lại Thái Lan và chỉ hồi hương vào năm 1957. Người vợ đầu của HT Phetsarath là công nương Khamvène, chị cả của vua Sisavang Vong ; sau, thời gian lưu vong tại Bangkok, ông cưới thêm một công nương người Thái. HT Phetsarath là một nhà trí thức dân tộc chủ nghĩa, khước từ mọi thoả hiệp với thực dân Pháp cũng như với Việt Minh, do đó từ 1945, thực dân Pháp không bao giờ liên lạc với ông. HT Phetsarath mất ngày 14/10/1959 tại LuangPrabang, thọ 69 tuổi.

2/ Hoàng thân Souvanna Phouma (1901-1984):

Sinh ngày 07/10/1901 tại LuangPrabang, là em cùng cha cùng mẹ với hoàng thân (HT) Phetsarath, và là anh cùng cha khác mẹ của HT Souphanouvong. Lãnh đạo khuynh hướng trung lập. HT Souvanna Phouma theo học tại Grenoble ( Pháp), đậu bằng kỹ sư công chánh và điện khí kỹ thuật, có vợ người Pháp. Hồi hương năm 1931, làm việc trong sở công chánh ( 1931), trưởng phòng kiến trúc tại LuangPrabang ( 1940), giám đốc sở công chánh tại Vientiane dưới thời Nhật chiếm đóng VQ Lào. Bộ trưởng trong nội các Lao Issara năm 1945, lưu vong qua Thái Lan từ 1946 đến 1949. Ông là người đứng ra điều đình với thực dân Pháp cho các thành viên trong Lao Issara được trở về Lào và giải tán chính phủ lưu vong. Đại sứ Lào tại Paris từ 1951 đến 1956. Thủ tướng chính phủ liên hiệp hai thành phần từ 1957, gián đọan cho tới cuộc đảo chánh của đại úy Kong Le năm 1960. Nhiều lần làm thủ tướng trong chính phủ liên hiệp ba thành phần từ 1964 đến 1975. Từ 1975 đến 1981, HT Souvanna Phouma làm " cố vấn " cho tân chính quyền CHDCND Lào. Người ta nhận định ông là người thân Pháp và có cá tánh quá hoà giải, thoả hiệp. Ông mất ngày 10/01/1984, thọ 83 tuổi.

3/ Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995):

Phó vương Chao Ouparat Bounkhôông, cha của hoàng thân (HT) Souphanouvong, có tất cả 11 bà vợ, được 11 người con trai ( Phetsarath và Souvanna Phouma) và 13 cô con gái. Mẹ HT Souphanouvong tên Kham Ouane, người dân thường. HT Souphanouvong nổi tiếng học giỏi và chơi thể thao, ông học trung học đệ nhị cấp tại Lycée Albert Sarraut, Hà Nội, rồi Lycée Saint Louis tại Paris trước khi theo học đại học cầu cống năm 1934. Đậu bằng kỹ sư và được bổ nhiệm về làm việc tại Nha Trang năm 1937, nơi đây, ông đã gia nhập đảng cộng sản Đông Dương và quen biết vị hôn phối tương lai: bà Nguyễn Thị Kỳ Nam, một phóng viên báo chí. Sau hôn lễ với HT Souphanouvong năm 1938, bà Kỳ Nam có tên lào Viêng Kham Souphanouvong. Suốt đệ nhị thế chiến HT Souphanouvong sinh sống tại thành phố Vinh, có nhiều liên lạc với các lãnh đạo cách mạng VN. Ông làm bộ trưởng ngoại giao và tổng tư lệnh quân lực chính phủ Lao Issara được thành lập năm 1945. Năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, ông tổ chức kháng chiến tại Thakhek. HT Souphanouvong là một nhà cách mạng liêm chính và kiên cường, nổi danh Ông Hoàng Đỏ trên chính trường quốc tế. Sau 1975, ông nắm quyền chủ tịch nước CHDCND Lào đến 1986 thì " từ chức vì lý do sức khoẻ ". Ông mất tại Vientiane ngày 09/01/1995, thọ 86 tuổi. Sự nghiệp và công tội của ông, con dân xứ Lào sẽ định giải sau này, trong nhất thời, ta có thể tạm ví:

Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả