Bùi Thụy Đào Nguyên
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Nông Văn Vân và cuộc khởi binh chống Nguyễn (1833-1835)

Nông Văn Vân (? - 1835) là thủ lĩnh cuộc nổi dậy của các dân tộc vùng Việt Bắc trong lịch sử Việt Nam. Cuộc nổi dậy nổ ra từ ngày 2 tháng 7 năm 1833 đến 11 tháng 3 năm 1835 thì bị quan quân nhà Nguyễn dập tắt, sau khi tìm thấy Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong rừng. Mặc dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, thì Nông Văn Vân quả là một thủ lĩnh tài ba, bởi ông đã lôi kéo được một số tù trưởng và các dân tộc thiểu số cùng theo, khéo lợi dụng địa thế rừng núi hiểm trở trong tấn công và phòng ngự, làm cho tướng sĩ triều đình phải đối phó vất vả và chịu nhiều tổn thất nặng nề. Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh rộng và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số ở thế kỷ 19.

Ông là người Tày ở châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) [1]. Tổ tiên ông vốn nhiều đời làm thổ quan ở đây. Đến khi cha là tri châu Nông Văn Liêm và anh trưởng là Nông Văn Trang mất, ông được nối thay [2].

Vào đời vua Minh Mạng, các quan lại do triều đình cử đến [3] thường hay nhũng nhiểu, nên các thổ quan và người dân Bảo Lạc rất căm ghét, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.

Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi (em vợ Nông Văn Vân) vì bất mãn đã khởi binh chiếm lấy thành Phiên An ở Gia Định. Vua Minh Mạng lập tức cử quân đi đánh dẹp, đồng thời lệnh cho quan lại ở Cao Bằng truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó.

Theo sử liệu thì:

Viên án sát Cao Bằng liền ra lệnh bắt 14 người thân thuộc Lê Văn Khôi, sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Viên hay Kiện) của Lê Văn Khôi rồi đốt hài cốt ra tro. Nông Vân Vân lúc bấy giờ đang làm tri châu Bảo Lạc cũng bị triệu về tra hỏi...(Lịch sử Việt Nam[1427-1858], tr. 180)

Khởi binh chống nhà Nguyễn

Sẵn lòng căm ghét, Nông Văn Vân liền vận động các người thân cùng chí hướng, các tù trưởng bất mãn, những người dân bị áp bức, được khoảng sáu ngàn người cùng đứng lên chống Nguyễn.

Việc làm đầu tiên của Nông Văn Vân là thích bốn chữ “Tỉnh quan thiên hối” (quan tỉnh thiên tư, hối lộ) vào mặt phái viên do quan tỉnh cử đến rồi đuổi về.

Ngày 2 tháng 7 năm 1833, Nông Văn Vân tự xưng là "Tiết chế thượng tướng quân" [4] lập đại bản doanh ở Vân Trung và Ngọc Mạo [5] thuộc châu Bảo Lạc, rồi dẫn quân đi đánh chiếm đồn Ninh Biên (thuộc thị xã Hà Giang ngày nay), đồn Phúc Nghi (nằm bên hữu ngạn sông Gâm) và tỉnh thành Tuyên Quang.

Đạt được thành công này khiến nhiều tù trưởng, đông đảo nhân dân các dân tộc ở Việt Bắc, và một số thợ mỏ người Hoa đã tự nguyện đứng vào đội ngũ. Thừa thế, quân nổi dậy lần lượt vây đánh các tỉnh thành lân cận là Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Sách Bắc Kỳ tiểu phỉ chép:

Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đứa hùng trưởng, mà đều lấy giặc Vân làm chủ...

Sách Đại Namthực lục chép:

Tù trưởng các châu đều họa theo và đều nhận chức quan của Vân...[6]

Để trấn áp lực lượng nổi dậy đang ngày càng lớn mạnh, vua Minh Mạng liền sai Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức làm Tổng tiễu bộ Tuyên Quang thổ phỉ quân vụ, lại sai thự tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ làm tham tán, rồi cùng mang hàng ngàn quân, hàng trăm voi chiến và ngựa chiến ra trận.

Lại nghe quân nổi dậy vây đánh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên ngặt quá, nhà vua cử thêm An Tĩnh tổng đốc là Tạ Quang Cự làm tổng thống đại thần đem quân lên đánh ở mạn Cao Bằng, Lạng Sơn; và cử tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ đem binh tượng và súng thần công lên đánh mặt Thái Nguyên.

Ngoài ra, theo giúp việc quân có: lãnh binh Hải Dương là Đồng Bá Huyên, lãnh binh Bắc Ninh là Trần Văn Duy, tuần phủ Lạng Bình là Hoàng Văn Quyền, vệ úy Cẩm y là Nguyễn Văn Lễ, quyền lãnh tổng đốc An Tĩnh là Nguyễn Văn Xuân, phó lãnh binh Hà Nội là Hồ Văn Vân, v.v...

Để đối phó lại, Nông Văn Vân liền cử Nông Văn Sĩ, Nồng Văn Lô, Bế Văn Liêm, Bế Văn Đản, Bế Cận, Bế Văn Quyền, Nguyễn Khắc Hòa,...chia quân đi đánh chặn các mặt.

Phần vì địa hình hiểm trở, phần thì quân nổi dậy đã chiến đấu rất ngoan cường cho nên đến đầu năm 1834, quân điều đình mới lần lượt thu lại được các tỉnh thành đã mất. Chỉ nói riêng về đạo quân chủ lực do tướng Lê Văn Đức chỉ huy, thì trên chặng từ Ninh Biên vào đại bản doanh Vân Trung (Bảo Lạc) phải mất một tháng rưỡi. Dọc đường, quân triều đình và quân nổi dậy đã đụng nhiều trận ác liệt như ở Đồn Trinh, Đèo Bụt, ở rừng núi Bảo Lạc...Điểm lại quân số, khi đi có một vạn quân, vào đến Vân Trung hiện chỉ còn non một nửa.[7]

Tuy bị hao tổn nhiều, nhưng đạo quân của tướng Lê Văn Đức vẫn cố tấn công dữ dội ở đại bản doanh Vân Trung. Thấy không thể giữ được, Nông Văn Vân đành phải gom tàn quân chạy sang Trung Quốc. Nhưng khi quân triều rút đi, Nông Văn Vân và Bế Cận lại đem quân trở về đánh chiếm tỉnh thành Cao Bằng lần hai vào trung tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ (1834). Hốt hoảng, các quan bố chánh, án sát và lãnh binh của tỉnh đều bỏ chạy. Nhận được tin cấp báo, vua Minh Mạng sai Tạ Quang Cự khẩn dẫn quân trở lên Cao Bằng, lại cử thêm mấy đại thần mang quân lên giúp sức...

Để phân tán lực lương quân triều, Nông Văn Vân bèn liên kết với thủ lĩnh Lê Văn Bột và Nguyễn Văn Nhàn ở Sơn Tây, hội quân được 6, 7 ngàn người, rồi cùng lập thêm căn cứ ở miền Vĩnh Tường thuộc Vĩnh Phú, để huy hiếp Hà Nội và Bắc Ninh.

Tháng 10 năm 1834, triều đình Huế lại cử các tướng là: Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Nguyễn Tiến Lâm, Hồ Hữu, Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ cùng mang quân đi tiễu trừ.

Cuối năm ấy, cả ba đạo quân cùng đến hội ở Vân Trung. Để ngăn không cho quân nổi chạy sang Trung Quốc lần nữa, tướng chỉ huy quân Nguyễn bèn sai người đưa thư sang nói với quan nhà Thanh ở Quảng Tây nhờ hỗ trợ. Quả nhiên, trước lực lượng hùng hậu của quân triều, Nông Văn Vân cùng thuộc hạ lại chạy sang bên đó, nhưng bị quân Thanh đuổi bắt, đành phải trở về Tuyên Quang.

Sau, bị quan quân nhà Nguyễn mở thêm hai cuộc hành quân đàn áp nữa (cuối tháng 2 và giữa tháng 10 năm Giáp Ngọ [1934]), nên sức quân nổi dậy ở Vân Trung và Ngọc Mạo đã dần suy yếu và địa bàn hoạt động cũng bị thu hẹp dần.

Bị chết cháy

Biết Nông Văn Vân đang ẩn ở xã An Quang, quan quân nhà Nguyễn liền đi truy nã, nhưng ông đã chạy thoát vào rừng Thẩm Bát (hay Thẩm Pát, Lũng Pát)[8]. Sau khi cho quân vây kín cả bốn mặt, ngày 11 tháng 3 năm 1835 [9], tướng chỉ huy ra lệnh phóng hỏa đốt rừng. Nông Văn Vân bị chết cháy.

Thuật lại vụ việc này, Đại Namchính biên liệt truyện có đoạn chép:

Tên ra thú là Nông Tính Hòa dò được thực đi báo nơi quân thứ, Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển tức thì phái vệ úy Nguyễn Văn Quyền đem hơn ngàn binh dũng tới ngay vây bắt...Sợ Vân trốn thoát, Quyền cho phóng hỏa đốt cả bốn mặt, Vân ở trong lỗ đá chui ra chết về lửa. Đức cho đệ lá hồng kỳ chạy như bay về báo tiệp và đóng hòm đầu Vân đưa dâng, rồi lấy sào cao treo ngược thây ở đỉnh núi Vân Trung. Thủ cấp Vân đưa tới, vua sai đem treo ở chợ búa ba hôm. Lại truyền cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam và từ Quảng Trị trở ra Bắc treo ba hôm, sau đâm nát quẳng xuống hố xí. Mộ của tổ phụ Vân, (vua) sai người đào hài cốt ném xuống sông. Con Vân là Lôi đưa về Kinh xử trị, còn gia quyến và đồng đảng Vân đều bị giết hết, không còn sót mống nào.[10]

Được dân yêu mến

Thủ lĩnh Nông Văn Vân, đối với nhà Nguyễn, là một tên hung bạo, khó bảo...Tuy nhiên, ở Cao Bằng-Lạng Sơn có bài lượn và ở Na Hang có bài cọi, cả hai đều viết về ông và cuộc nổi dậy của ông. Điều này cho thấy các dân tộc ở Việt Bắc đã rất khâm phục và qúi mến Nông Văn Vân. Trích mấy câu trong bài lượn ở Na Hang (bản dịch):

...Tiếng đồn có ông Vân tốt quá

Giúp đỡ cho dân xã bản mường

Nhân dân quý yêu thương phục mến

(Ông) có đạo đức nổi tiếng tài năng...

Mối quan hệ với Lê Văn Khôi

Nông Văn Vân là anh vợ của với Lê Văn Khôi. Khi cuộc binh biến ở thành Phiên An nổ ra, vua Minh Mạng liền ban mật dụ cho các quan tỉnh Cao Bằng là phải tìm bắt cho được vợ con và thân thích của Lê Văn Khôi. Cuộc truy nã kéo dài ngót ba tháng, hàng trăm người lần lượt đã bị bắt nhốt. Ngoài ra, nhà vua cũng ra lệnh đón chặn các đường biển và đường núi, không cho nghĩa quân cùng vũ khí từ Gia Định kéo ra Bắc và ngược lại...Sau khi nghiên cứu Tộc phả Bế-Nguyễn và một số tư liệu khác, bước đầu Nguyễn Phan Quang đã đưa ra một suy nghĩ như sau:

Hai thủ lĩnh Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân đã thống nhất một ý đồ chung là phát động cuộc nổi dậy đồng thời trong phạm vi cả nước nhằm lật đổ triều Nguyễn…Rõ ràng không phải Lê Văn Khôi nổi dậy chỉ nhằm mục đích trả thù cho Lê Văn Duyệt, càng không phải vì thân thuộc của Lê Văn Khôi ở Cao Bằng bị truy nã mà nổ ra cuộc nổi dậy Nông Văn Vân...(Việt Nam thế kỷ XIX [1802-1884], tr. 253)

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích:

[1] Đời Gia Long, Bảo Lạc thuộc trấn Tuyên Quang. Năm 1831, vua Minh Mạng cho đổi trấn này thành tỉnh. Năm 1835, sau khi đánh dẹp xong cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân, nhà vua cho chia châu Bảo Lạc ra làm hai huyện là Vĩnh Tuy và Vị Xuyên (theo Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. Nhà xuất bản Văn Học, 2003, tr. 485) và Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 1040). Ngày nay, theo Nguyễn Phan Quang, huyện Bảo Lạc ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng, Bắc giáp huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Nam giáp huyện Chợ Rã (Bắc Cạn), Tây giáp hai huyện Yên Minh và Vị xuyên (Tuyên Quang), Đông giáp hai huyện Thông Nông và Nguyên Bình (Cao Bằng). Từ thị xã Cao Bằng đến huyện lỵ Bảo Lạc, đường ô tô men theo các triền núi cao, quanh co hiểm trở liên tục ngót 140 km (tr. 223).

[2] Đại Nam chính biên liệt truyện đã lầm lẫn khi cho rằng Nông Văn Bật là cha Nông Văn Vân, thật ra ông Bật là ông nội của Nông Văn Vân (ghi chú của Nguyễn Phan Quang, tr. 224).

[3] Ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng; vua Minh Mạng đặt chức lưu quan do người Kinh nắm giữ ở bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc. Sau, do phản ứng của người dân địa phương, vua Tự Đức đã bãi bỏ chế độ lưu quan.

[4] Năm 1834, quân triều bắt được lá thư của quân nổi dậy ghi niên hiệu là Nguyên Thống nguyên niên, tức lúc bấy giờ Nông Văn Vân đã tự xưng vương (Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 195).

[5] Vân Trung nay là thị trấn Bảo Lạc. Hồi làm tri châu, Nông Văn Vân đã cho xây dựng tư thất, công đường ở khu vực nay là cửa hàng bách hóa và doanh trại của huyện đội. Ngọc Mạo chính là xã Đồng Mu ngày nay (ghi chú của Nguyễn Phan Quang, tr. 224).

[6] Bắc Kỳ tiểu phỉ (quyển 47) và Đại Namthực lục (quyển 18, tr. 139). Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 195.

[7] Đề cập đạo quân chủ lực này, sách Bắc Kỳ tiểu phỉ (quyển 34) đưa ra một vài con số như sau: 100 lính bỏ mạng dọc đường, 2. 400 lính ốm và rất nhiều lính địa phương bỏ trốn (Dẫn lại theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), tr. 198).

[8] Thẩm Bát nay thuộc xã Ân Quang, cách thị trấn Bảo Lạc 25 cây số về hướng Đông Nam.

[9] Ngày tháng này chép theo Nguyễn Phan Quang, (tr. 194). Sách Bắc Kỳ tiểu phỉ chỉ kể là: "Ngày 9 tháng 3 âm lịch năm 1835, quan quân Nông Văn Vân thua trận, ẩn náu trong rừng Thẩm Pát bị quân triều đình phóng hỏa đốt cháy cả khu rừng. Nông Văn Vân bị thiêu chết.

[10] Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 303 và 1051-1052). Nói thêm: Trong hàng trăm cuộc nổi dậy lớn nhỏ đã xảy ra trong suốt lịch sử triều Nguyễn, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chỉ chép thành truyện riêng có mấy người đó là: Lê Văn Khôi (phụ chép Nguyễn Văn Trắm), Nông Văn Vân và Cao Bá Quát. Điều này cho thấy cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân đã từng làm vua quan nhà Nguyễn rất bận tâm.

Sách tham khảo:

-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà xuất bản Văn học, 2004.

-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn học, 2002.

-Trần Trọng Kim, Việt Namsử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.

-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 4). Tủ sách Sử học Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1961.

-Nguyễn Phan Quang, Việt Namthế kỷ XIX (1802-1884). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

-Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam(1427-1858), quyển 2, tập 2. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả